Khủng hoảng Ukraina : Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm trung gian hòa giải

Khủng hoảng Ukraina : Thổ Nhĩ Kỳ muốn làm trung gian hòa giải

Đăng ngày: 04/02/2022

Minh Anh

Các hoạt động ngoại giao diễn ra dồn dập tại thủ đô Ukraina. Hai ngày sau chuyến thăm của thủ tướng Anh Boris Johnson, hôm qua, 03/02/2022, đến lượt tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đến gặp nguyên thủ Ukraina Volodymyr Zelensky. 

Theo AFP, cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraina là nội dung chính. Trước khi đến Kiev, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố : « Chúng tôi không muốn có chiến tranh giữa Nga và Ukraina. Tôi hy vọng rằng chúng ta có thể sẽ giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa ». Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Ukraina, tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố « Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng gánh vác một phần giải quyết cuộc khủng hoảng giữa hai nước, vốn dĩ đều là những hàng xóm của Thổ Nhĩ Kỳ tại Biển Đen ».  

Một mặt, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất tiếp đón một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nga và Ukraina. Mặt khác, Kiev và Ankara thông báo một thỏa thuận tự do-mậu dịch, và chính thức xây dựng một nhà máy chế tạo drones tấn công Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trả lời ban Pháp ngữ đài RFI, nhà chính trị học và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Edam tại Istanbul, phân tích dụng ý của nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến công du này.  

« Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu đến gần 50% vào nguồn khí đốt tự nhiên từ Nga. Quả thật, ở đây có một thế bấp bênh. Ngoài ra còn có một điểm mong manh khác cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đó là khía cạnh du lịch mà Nga là quốc gia thứ hai gởi nhiều du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn thu này rất quan trọng cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trên bình diện chính trị, Ankara sẽ bị nhiều áp lực nhằm cắt đứt các liên hệ trong lĩnh vực công nghiệp quân sự, nhất là đối với các loại drones có trang bị vũ khí mà Thổ Nhĩ Kỳ bán cho Ukraina. Vì tất cả những chủ đề vừa được nhắc đến này, mà theo tôi, Ankara sẽ tìm cách tránh né bằng mọi giá kiểu xung đột này. Bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ có những thế bấp bênh mà nước này mong muốn gìn giữ các quan hệ song phương cả với Ukraina và Nga cùng lúc. Và bởi vì nước này cũng cần đến Nga như là một đối tác ngoại giao trên nhiều mặt trận khác, đặc biệt là ở Syria và cả ở Thượng Karabagh. »

Bài Liên Quan