Vụ “Tài trợ và pháp quyền”: Tòa án Liên Âu bác khiếu nại của Ba Lan và Hungary

Vụ “Tài trợ và pháp quyền”: Tòa án Liên Âu bác khiếu nại của Ba Lan và Hungary

Đăng ngày: 16/02/2022

Trọng Thành

Tòa Án Công lý Liên Hiệp Châu Âu (CJUE) hôm nay, 16/02/2022, ra phán quyết bác bỏ khiếu nại của Ba Lan và Hungary, liên quan đến « biện pháp chưa từng có » của Ủy Ban Châu Âu gắn liền việc cấp vốn với việc tôn trọng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền. Đức hoan nghênh phán quyết của Tòa CJUE.

Theo AFP, « lần đầu tiên » một phán quyết của Tòa án Công lý Liên Hiệp Châu Âu được truyền hình trực tiếp, trên trang mạng của CJUE. Phán quyết của Tòa CJUE khẳng định : Cơ chế gắn liền việc cấp vốn với việc tôn trọng Nhà nước pháp quyền « dựa trên một cơ sở pháp lý phù hợp », và « tôn trọng các giới hạn về thẩm quyền của Liên Âu ». Đức là một trong những quốc gia châu Âu lên tiếng đầu tiên.  

Trong một thông điệp trên Twitter, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định: Tòa án Công lý Liên Âu, khi bác bỏ các khiếu nại của Varsava và Budapest, đã ủng hộ « một phương tiện quan trọng của Liên Âu, có mục tiêu bảo vệ và tăng cường cộng đồng giá trị » của Liên Hiệp. Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh : « Nhà nước pháp quyền là nền tảng của Liên Âu ».  

Quy định nói trên của Ủy Ban Châu Âu, mà Hungary và Ba Lan phản đối, cho phép đình chỉ việc cấp toàn bộ hay một phần nguồn tài trợ của châu Âu cho một quốc gia thành viên, bị coi là không tôn trọng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền. Đối với hai quốc gia liên quan, đây là các khoản tài chính quan trọng liên quan đến các kế hoạch chấn hưng hậu-Covid. Việc đình chỉ việc cấp vốn sẽ được thực hiện khi được ít nhất 15 trên 27 quốc gia thành viên ủng hộ.  

Đối với Ba Lan, Ủy Ban Châu Âu nêu ra hàng loạt lý do để ngừng cấp tài chính, như việc chính quyền Varsava « xâm phạm tính độc lập của tư pháp » và « thách thức vị trí cao hơn của luật châu Âu so với luật quốc gia ». Đối với Hungary, là « tham nhũng, xung đột lợi ích, đấu thầu liên quan đến ngân sách Nhà nước ». 

Theo AFP, việc Tòa án Công lý châu Âu phê chuẩn quy định của Ủy Ban Châu Âu sẽ đẩy nhanh việc thực thi quy định này. Về nguyên tắc, quy định nói trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Tuy nhiên, cơ quan hành pháp của Liên Âu, thỏa thuận với 27 thành viên Liên Âu, chấp nhận chờ đợi phán quyết của Tòa CJUE trước khi thực thi quy định.  

Về phản ứng của Ba Lan, chính quyền Varsava khẳng định phán quyết của Tòa CJUE là « một tấn công chống lại chủ quyền quốc gia », theo một thông điệp trên Twitter của thứ trưởng Tư Pháp Sebastian Kaleta. Hungary cũng bác bỏ phán quyết của Tòa. Trên Facebook, bộ trưởng Tư Pháp Judit Varga khẳng định đây là « một phương tiên mới để gây áp lực » đối với Hungary.  

Bài Liên Quan