Lý do Ấn Độ không chỉ trích Nga liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine

Lý do Ấn Độ không chỉ trích Nga liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine

  • Vikas Pandey
  • BBC News, Delhi

8 giờ trước

Quận đội Ukraine trên một xe quân sự chiếm được của Nga tại thành phố Kharkiv
Chụp lại hình ảnh,Quận đội Ukraine trên một xe quân sự chiếm được của Nga tại thành phố Kharkiv

Những ngày gần đây, Ấn Độ đã phải cân nhắc kỹ lưỡng về mặt ngoại giao nhằm cố gắng cân bằng mối quan hệ với Moscow và phương Tây.

Tuyên bố đầu tiên của Delhi tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) không nêu tên trực tiếp bất kỳ quốc gia nào nhưng cho biết hối tiếc rằng những lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế nhằm đạt được khả năng ngoại giao và đối thoại đã không được hưởng ứng.

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đã không chỉ trích Nga. Và trước khi UNSC bỏ phiếu nhằm thông qua một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc nhằm lên án cuộc xâm lược, thì Delhi đã đối mặt với những lời kêu gọi từ phía Nga, Mỹ và Ukraine về việc “hãy làm điều đúng đắn”.

Ukraine và Nga thậm chí cũng đưa ra lời kêu gọi Delhi có lập trường rõ ràng. Ấn Độ đã chọn bỏ phiếu trắng trong cuộc phiếu của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư 02/03 nhằm lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraine và yêu cầu Moscow rút các lực lượng quân sự của họ.

Tuyên bố của Ấn Độ thì cho thấy quốc gia này đã tiến hành một bước đi xa hơn và gián tiếp yêu cầu Moscow tôn trọng luật pháp quốc tế.

Ấn Độ cũng đề cập đến tầm quan trọng của “Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”, cho biết thêm rằng “tất cả các quốc gia thành viên cần phải tôn trọng những nguyên tắc này nhằm tìm một hướng đi mang tính xây dựng để tiến về phía trước”.

Delhi tiếp tục chiến lược chọn bỏ phiếu trắng khi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu áp đảo thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt ngay cuộc xâm lược Ukraine.

Lần bỏ phiếu trắng thứ ba của Ấn Độ sau khi xuất hiện những lời kêu gọi từ một số quan chức cấp cao ở Washington cho rằng Ấn Độ “phải có lập trường rõ ràng”.

Chiến lược của Ấn Độ đã đặt ra những câu hỏi, đặc biệt là phương Tây, liệu rằng nền dân chủ lớn nhất thế giới này lẽ ra nên có lập trường rõ ràng hơn hay không.

Không có sự lựa chọn tốt

Cựu nhà ngoại giao Ấn Độ JN Misra nói rằng Ấn Độ chỉ “có những lựa chọn tệ và tệ hơn”.

“Một nước không thể ngã theo hai hướng cùng một lúc. Ấn Độ chưa nêu tên bất kỳ nước nào, điều này cho thấy Ấn Độ không chống lại Moscow. Ấn Độ phải tinh tế trong việc chọn phe và đã làm điều này,” ông JN Misra nói.

Cũng có một vài lý do cho việc Ấn Độ tìm sự cân bằng ngoại giao liên quan đến Ukraine.

Điều quan trọng nhất là mối quan hệ ngoại giao và quốc phòng lâu năm với Moscow.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 được xem rất quan trọng trong nền quốc phòng của Ấn Độ
Chụp lại hình ảnh,Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 được xem rất quan trọng trong nền quốc phòng của Ấn Độ

Nga tiếp tục là quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ mặc dù tỷ lệ này đã giảm từ mức 70% xuống còn 49% vì lý do Ấn Độ muốn đa dạng hóa kho vũ khí và tăng cường sản xuất vũ khí quốc phòng trong nước.

Nga cũng cung cấp thiết bị như hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 giúp Ấn Độ có lợi thế ngăn chặn chiến lược quan trọng chống lại Trung Quốc và Pakistan, và là lý do Ấn Độ vẫn tiến hành bất chấp các lệnh trừng phạt có thể có từ Mỹ.

Tầm quan trọng của cung cấp vũ khí

Thêm nữa, thật khó để Delhi bỏ qua hàng thập kỷ hợp tác ngoại giao với Nga trong một số vấn đề. Moscow đã phủ quyết các nghị quyết của UNSC liên quan đến vùng tranh chấp Kashmir trong quá khứ để giúp Ấn Độ duy trì một vấn đề song phương.

Trong bối cảnh đó, Ấn Độ cũng dường như đang theo đuổi chiến lược vốn được biết đến rộng rãi là không liên kết và thúc đẩy đối thoại để giải quyết vấn đề.

Michael Kugelman, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Wilson Center nói rằng lập trường của Ấn Độ là không có gì là bất ngờ vì nhất quán với chiến lược trong quá khứ.

Ông Michael Kugelman nói thêm rằng Delhi “dường như không thoải mái với những gì đang diễn ra ở Ukraine nhưng không thể thay đổi lập trường”.

“Đơn giản là Delhi không thể làm điều như vậy vào thời điểm này bởi vì nhu cầu quốc phòng và địa chính trị,” ông cho biết. Mặc dù vậy ông nói thêm rằng Delhi đã chọn những ngôn từ mạnh mẽ tại UNSC để cho thấy rằng quốc gia này không thoải mái với tình hình tại Ukraine.

Tổng thống Nga Putin and Thủ tướng Ấn Độ Modi có mối quan hệ tốt đẹp
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Nga Putin and Thủ tướng Ấn Độ Modi có mối quan hệ tốt đẹp

Ấn Độ cũng có nhiệm vụ khó khăn là sơ tán 20.000 công dân, hầu hết là sinh viên từ Ukraine.

Cựu nhà ngoại giao Anil Triguniyat, từng làm việc tại Moscow và ở Libya nói rằng ông đã giám sát việc sơ tán công dân Ấn Độ khi cuộc xung đột bùng phát vào năm 2011, và cho biết việc đảm bảo an ninh là cần thiết cho tất cả các bên để đảm bảo hoạt động sơ tán được an toàn.

“Ấn Độ không thể ngã theo phe vì có nguy cơ gây mất an toàn cho các công dân. Hơn nữa quốc gia này này đang chứng kiến một bối cảnh tổng thể bao gồm mở rộng các kênh cho tất cả các bên,” ông nói.

Ấn Độ đã có thể nhận được sự trợ giúp từ Ukraine và Nga trong việc sơ tán công dân, đặc biệt từ thành phố Kharkiv, bị tấn công nặng nề. Ấn Độ cho biết có hàng trăm công dân, hầu hết là sinh viên bị mắc kẹt tại Ukraine và sẽ tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác từ tất cả các bên.

Về khía cạnh này, Ấn Độ đang trong một vị thế duy nhất là một trong số ít quốc gia có mối quan hệ tốt với cả Washington và Moscow.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar đã có các cuộc hội đàm với giới chức tại Washington.

Ông Modi cũng đã có cuộc nói chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông Triguniyat nói rằng Ấn Độ đã làm tốt trong việc duy trì các kênh ngoại giao mở cho đôi bên.

“Ấn Độ đã không chỉ trích Nga trực tiếp nhưng không phải Ấn Độ làm ngơ trước sự chịu đựng của người dân Ukraine. Ấn Độ đã sử dụng lối tiếp cận cân bằng. Quốc gia này có tuyên bố mạnh mẽ về sự toàn vẹn lãnh thổ tại UNSC và rõ ràng muốn có ý nhấn mạnh đến số phận của người dân Ukraine,” ông nói.

Một trại trú ẩn tạm thời được dựng nên tại Przemysl, Ba Lan cho những người tị nạn từ Ukraine
Chụp lại hình ảnh,Một trại trú ẩn tạm thời được dựng nên tại Przemysl, Ba Lan cho những người tị nạn từ Ukraine

Nhưng nếu Washington và các đồng minh Châu Âu tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề lên Nga, Ấn Độ có thể thấy việc kinh doanh với Moscow trở nên khó khăn.

Mỹ dường như hiểu được lập trường của Ấn Độ hiện tại nhưng không có sự đảm bảo sẽ tiếp tục như vậy hay không.

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây được hỏi về lập trường của Ấn Độ, ông đã không đưa ra một câu trả lời rõ ràng.. “Chúng tôi sẽ có sự tham vấn với Ấn Độ [liên quan đến vấn đề Ukraine]. Chúng tôi đã không giải quyết hoàn toàn vấn đề này,” ông nói.

Khả năng bị trừng phạt liên quan đến việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 vẫn còn đó. Đạo luật Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act (Caatsa) của Mỹ được đưa ra vào năm 2017 nhắm tới Nga, Iran và Bắc Hàn với các lệnh trừng phạt kinh tế và chính trị. Đồng thời cũng có nội dung cấm bất kỳ quốc gia nào ký thỏa thuận quốc phòng với những nước này.

Washington chưa hứa hẹn bất kỳ việc không trừng phạt nào dành cho Ấn Độ trước khi Nga xâm lược Ukraine nhưng các chuyên gia tin rằng đây sẽ là một con cờ được đem ra đàm phán giữa Washington và Delhi.

Trong khi đó Moscow có thể sử dụng áp lực của mình để làm củng cố mối quan hệ với quốc gia thù địch lâu năm của Ấn Độ là Pakistan nếu thấy Delhi có thay đổi chiến lược.

Nga cũng đã chấp nhận Ấn Độ có mối quan hệ ngày càng gắn kết với Mỹ trong vòng 2 thập kỷ qua nhưng Ukraine là lằn ranh đỏ mà Nga không muốn Delhi vượt qua.

Ông Kugelman cũng nói rằng điểm ‘tới hạn’ này sẽ chỉ xuất hiện nếu cuộc xung đột tại Ukraine kéo dài và kết cuộc tạo nên một thế giới lưỡng cực.

“Hãy hy vọng rằng điều này sẽ không xảy ra. Nhưng nếu có xảy ra thì chính sách ngoại giao của Ấn Độ sẽ trải qua một phép thử rất khó khăn,” ông nói.

Bài Liên Quan