Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) điều tra tội ác chiến tranh của Nga nhằm vào Ukraine

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) điều tra tội ác chiến tranh của Nga nhằm vào Ukraine

  • Becky Morton
  • BBC News

3 tháng 3 2022

Tòa nhà Đại học Quốc gia Karazin Kharkiv tại Ukraine bị bốc cháy do bị pháo kích, hình ảnh ngày 02/03
Chụp lại hình ảnh,Tòa nhà Đại học Quốc gia Karazin Kharkiv tại Ukraine bị bốc cháy do bị pháo kích, hình ảnh ngày 02/03

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã mở cuộc điều tra sau khi Nga bị cáo buộc ném bom vào dân thường tại Ukraine.

Công tố viên chính của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nói rằng đang thu thập các bằng chứng về các cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng.

Cuộc điều tra được tiến hành sau khi 38 quốc gia cùng nhau kêu gọi điều tra tình hình tại Ukraine.

Các thành phố gồm Kyiv, Kharkiv và Kherson bị pháo kích nặng nề.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng cáo buộc Moscow về tội ác chiến tranh, sau khi tiến hành các cuộc không khích nhằm vào thành phố Kharkiv, lớn thứ hai tại Ukraine, khiến dân thường thiệt mạng.

Hồi đầu tuần này, Công tố viên chính của ICC, Karim Khan nói ông có kế hoạch mở một cuộc điều tra nhằm vào các sự kiện tại Ukraine “nhanh nhất có thể” thế nhưng giấy đề nghị từ 38 nước – bao gồm Anh, Pháp và Đức đã cho phép ICC tiến hành điều tra mà không cần có phê duyệt pháp lý.

Ông Karim Khan sẽ xem xét những cáo buộc về tội ác chiến tranh, tội ác nhằm vào loài người và tội diệt chủng trong quá khứ và hiện tại, cũng như quay trở lại năm 2013, trước khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea một năm sau đó.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng việc Nga ném bom vào dân thường vô tội “đã đủ cấu thành tội ác chiến tranh”.

Nga chiếm được Kherson

Xe tăng và xe quân sự Nga trên đường phố tại thành phố Kherson
Chụp lại hình ảnh,Xe tăng và xe quân sự Nga trên đường phố tại thành phố Kherson

Vào ngày thứ Tư 02/03, Thị trưởng thành phố Kherson của Ukraine nói rằng lực lượng Nga đã chiếm giữ một cảng biển trọng yếu với dân số hơn 280.000 người.

Kherson cũng là thành phố chính tại Ukraine mà Moscow đã giành được quyền kiểm soát sau khi xâm lược cách đây một tuần.

Việc chiếm giữ Kherson nằm bên sông Dnieper chảy vào Biển Đen có ý nghĩa quan trọng vì Nga có thể tạo căn cứ quân đội để tiến sâu vào đất liền.

Thị trưởng Igor Kolykhaev nói quân đội Nga đã tiến vào các tòa nhà hội đồng thành phố và ban hành lệnh giới nghiêm đối với cư dân.

Các thành phố khác cũng đã bị pháo kích dữ dội, và ngày 02/03 được xem là một trong những ngày giao tranh ác liệt nhất.

Kharkiv, thành phố lớn thứ hai tại Ukraine đã bị pháo kích dữ dội từ trên không.

Vào ngày 02/03, Thị trưởng Kharkiv nói với BBC rằng các vụ pháo kích của Nga và tấn công bằng tên lửa hành trình đã nhằm vào các khu dân cư và gây thương vong nặng nề cho dân thường.

Tại thành phố cảng Mariupol, miền nam Ukraine, hàng trăm người bị thiệt mạng sau hàng giờ bị pháo kích liên tục.

Tuy nhiên các nỗ lực bao vây Kyiv của Nga đang bị chậm lại, một quan chức Mỹ nói rằng đoàn xe quân sự đông đảo từ phía Nga tiến về phía bắc của thủ đô hầu như đã không có bước tiến nào cả ngày, mặc dù Nga tiếp tục ném bom tại thành phố.

Phía Nga cũng đã lần đầu thừa nhận chịu tổn thất nặng nề với 498 binh sĩ bị thiệt mạng và 1.597 người bị thương. Ukraine thì cho rằng hàng ngàn binh sĩ Nga đã thiệt mạng.

Cơ quan khẩn cấp của nhà nước Ukraine nói hơn 2.000 dân thường đã thiệt mạng kể từ cuộc xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine bắt đầu vào ngày 24/02 vừa qua, mặc dù con số này vẫn chưa được kiểm chứng độc lập.

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết đã có khoảng 1 triệu người đã phải rời bỏ Ukraine.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư 02/03 đã bỏ phiếu áp đảo để lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraine và yêu cầu Moscow rút các lực lượng quân sự của họ.

Nghị quyết được sự ủng hộ của 141 trong số 193 thành viên của hội đồng. Nga, và chỉ 4 nước – Bắc Hàn, Syria, Belarus, và Eritrea – bỏ phiếu chống nghị quyết.

35 nước, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Việt Nam, bỏ phiếu trắng.

Trong cả khối Asean chỉ có Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng, còn Campuchia, Myanmar “hòa nhịp” với các nước còn lại bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án cuộc xâm lăng của Nga.

35 quốc gia đã chọn giữ thái độ trung lập bao gồm các quốc gia cũng phần lớn đổ lỗi cho phương Tây đã kích động các điều kiện dẫn đến xung đột và những nước khác đã chọn giữ thái độ trung lập về vấn đề này.

Các nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý nhưng động thái này đã khiến Nga bị cô lập thêm về mặt ngoại giao.

Bài Liên Quan