Thượng đỉnh Mỹ–ASEAN đã không diễn ra đúng hẹn cuối tháng 3/2022

  • Joaquin Nguyễn Hoà
  • Gửi bài từ San Jose, Hoa Kỳ

tháng 3 2022Cập nhật 6 giờ trước

Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia, Prak Sokhonn
Chụp lại hình ảnh,Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia, Prak Sokhonn

Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN đã không diễn ra đúng hẹn vào các ngày 28-29 háng 3/2022 dù Hoa Kỳ đặt nhiều hy vọng vào cuộc họp này.

Ngay từ 25/03, trang Politico ở Mỹ cho hay Hoa Kỳ “hoãn không thời hạn” kỳ họp này.

Một phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho trang báo này biết, họ sẽ “tổ chức thượng đỉnh để mọi lãnh đạo ASEAN đều có thể tham dự”.

Trong tuần, Hoa Kỳ đón Thủ tướng Singapore sang thăm Nhà Trắng (xem thêm: Singapore và chính sách đối ngoại với Nga và Ukraine).

Trước đó, BBC đã đăng bài hôm 11/03 như sau:

Ngày thứ Tư, 9/3/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia, Prak Sokhonn nói rằng cuộc họp thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dự trù diễn ra vào hai ngày 28-29/3/2022 tại thủ đô Washington của Mỹ, sẽ được dời lại vì một số lãnh đạo ASEAN không tham dự được.

Việc dự trù cuộc họp thượng đỉnh trong hai ngày 18 và 29 tháng 3/2022, vốn được chính phủ Mỹ đưa ra vào cuối tháng 2/2022. Chương trình nghị sự của thượng đỉnh được giới quan sát cho là sẽ là các vấn đề về hợp tác kinh tế và an ninh.

LHQ-Ukraine: Việt Nam bỏ phiếu trắng, Sứ quán Ukraine ‘rất thất vọng’

Đại biện lâm thời Ukraine: ‘Chúng tôi mong VN bỏ phiếu ủng hộ’ nghị quyết của LHQ

Ukraine hy vọng Việt Nam ‘phản đối Nga xâm lược’

Ông Nguyễn Phú Trọng thăm Lào, Campuchia

Tuyên bố này được ông Prak Sokhonn đưa ra bằng một lời nhắn tin cho hãng Reuters.

Khẳng định của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Campuchia, nước chủ tịch luân phiên năm nay của ASEAN được được đưa ra sau khi có những bình luận của ông Hun Sen, thủ tướng nước này, về khả năng phải dời ngày họp thượng đỉnh. Một nguồn tin từ Việt Nam nói với với tôi rằng ông Hun Sen nói về việc này khi cắt băng khánh thành một bệnh viện do Trung Quốc viện trợ.

Trước khi có lời xác nhận của Campuchia một ngày, vào ngày 8/3/2022, nhà phân tích thời sự quốc tế người Thái Lan, Kavi Chongkittavorn có viết một bài trên tờ Bangkok Post về khả năng các quốc gia Hồi giáo của ASEAN là Indonesia, Malaysia, và Brunei sẽ không dự được thượng đỉnh vì bận rộn cho tháng chay Ramadan của người Hồi giáo.

Thực ra tháng chay Ramadan không trùng lắp lên hai ngày họp dự định, vì năm nay, 2022, Ramadan bắt đầu vào đầu tháng 4.

Theo ông Kavi Chongkittavorn, các quốc gia ASEAN khá bực bội về quan hệ với Hoa Kỳ từ thời tổng thống Donald Trump cho tới nay. Ông Trump thì lơ là quan hệ với ASEAN, còn cuộc họp trực tuyến với ASEAN được chính quyền của ông Joseph Biden dự định sau khi cầm quyền lại bị hủy bỏ vì trục trặc kỹ thuật. Theo Kavi Chongkittavorn, lời hứa hẹn của Washington về cuộc gặp thượng đỉnh cứ bị Mỹ dời, và cuối cùng được đưa ra một cách đơn phương.

Asean ‘cấm cửa ngoại trưởng Myanmar, yêu cầu cử đại diện phi chính trị dự họp’

Việt Nam và Campuchia thúc đẩy hợp tác quốc phòng, phân định biên giới

Người Việt nhìn về chiến tranh Ukraine-Nga, nghĩ đến Trung Quốc

Campuchia giữa Mỹ và Trung Quốc

Nhưng theo nhà báo Sebastian Strangio của tờ The Diplomat, dẫn một nguồn tin ngoại giao từ Washington DC, viết vào ngày 10/3/2022 rằng chắc chắn có đến 7 quốc gia nói sẽ tham dự thượng đỉnh vào hai ngày 28 và 29 tháng 3/2022, một nước nữa nhiều khả năng sẽ tham dự, còn Thái Lan thì chắc chắn bận vào hai ngày đó. Miến Điện bị loại vì cuộc đảo chánh quân sự lật đổ chính quyền dân sự hồi năm ngoái.

Trình tự những diễn biến đó dẫn tới suy diễn rằng có phải Campuchia, muốn lợi dụng tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN để trì hoãn, thậm chí hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh hay không?

Điều này, theo tôi, có cơ sở hơn khi Campuchia là nước ngày càng gắn bó với Trung Quốc về kinh tế và quân sự, mà Trung Quốc thì không muốn Mỹ phát triển quan hệ chặt chẽ hơn nữa với ASEAN.

Vào đầu tháng 2/2022, Hoa Kỳ đưa ra một cách chính thức chiến lược của họ ở vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trong đó đề cao vai trò của ASEAN, cũng như hai quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Việt Nam, mặc dù hai nước này không có hiệp ước liên minh với Mỹ.

Trả lời câu hỏi của tôi, Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine nói rằng Trung Quốc từng chỉ trích Mỹ muốn thiết lập một khối NATO ở châu Á, mà theo giáo sư Long, Trung Quốc muốn nói đến khối ASEAN và mối quan hệ của khối này với Mỹ.

Do vậy, theo ông Ngô Vĩnh Long rất có thể Campuchia muốn hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN không xảy ra, để làm vừa lòng Trung Quốc.

Giáo sư Vũ Tường, một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và khu vực Đông Nam Á từ Đại học Oregon cũng nói với tôi khi tôi tìm hiểu viết bài này cho BBC News Tiếng Việt rằng Campuchia thấy rằng họ không có lợi gì khi đi Mỹ dự thượng đỉnh cả.

Trong khi đó thì Việt Nam lại có vẻ nhiệt tình cho cuộc họp thượng đỉnh này. Cả hai ông Ngô Vĩnh Long và Vũ Tường đều nhất mạnh đến vai trò kinh tế ngày càng lớn của Mỹ đối với Việt Nam, trong đó theo giáo sư Long, xuất siêu của Việt Nam đối với Mỹ lên đến 35 tỷ Dollar.

Tuy nhiên thái độ của Campuchia và Việt Nam đối với nghị quyết lên án hành động xâm lược của Nga ở Ukraine lại đưa đến những điều khá thú vị. Campuchia theo phe ủng hộ nghị quyết lên án sự xâm lược, trong khi Việt Nam bỏ phiếu trắng. Mỹ là quốc gia đứng đầu liên minh phương Tây lên án hành động xâm lược của Nga, và tung ra một cuộc cấm vận quy mô chưa từng có đối với nước Nga.

Việt Nam bỏ phiếu trắng, còn Campuchia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án cuộc xâm lăng của Nga với Ukraine
Chụp lại hình ảnh,Việt Nam bỏ phiếu trắng, còn Campuchia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án cuộc xâm lăng của Nga với Ukraine

Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Việt Nam bỏ phiếu trắng là vì có quan hệ quá lớn với nước Nga trong hai lĩnh vực, trang bị vũ khí và khai thác dầu mỏ. GS Long tin rằng tại Đông Nam Á hiện nay, Việt Nam là quốc gia “thân Mỹ hàng thứ hai” sau Singapore.

Còn theo GS Vũ Tường, Mỹ mặc dù không hài lòng về lá phiếu trắng của Việt Nam, nhưng không đến nỗi là sẽ tỏ thái độ, vì Mỹ hiểu rằng Việt Nam vẫn đang thực hiện chính sách đu dây (giữa các cường quốc), nên họ cũng không quá kỳ vọng vào lá phiếu vừa rồi của Việt Nam ở Đại hội đồng Liên hiệp quốc.

Câu hỏi tới nay là với thái độ của riêng Campuchia, liệu ASEAN, gồm Việt Nam, có mất đi một cơ hội để cân bằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hay không, một khi hội nghị thượng đỉnh không diễn ra như hẹn.

Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Joaquin Nguyễn Hoà ở San Jose, Hoa Kỳ.

Các nguồn tham khảo:

https://www.reuters.com/world/asia-pacific/Campuchia-says-asean-ussummit-postponed-seeking-new-date-2022-03-09/
https://dantri.com.vn/xa-hoi/thu-tuong-pham-minh-chinh-sap-cong-du-hoa-ky-20220303164539772.htm
https://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/2275475/asean-heads-gear-for-summit-with-biden
https://thediplomat.com/2022/03/Campuchia-announces-postponement-of-special-us-asean-summit/

Bài Liên Quan