Chiến tranh Ukraina đẩy lùi viễn cảnh hiệp định hòa bình Nga – Nhật

Đăng ngày: 05/05/2022

Ảnh tư liệu : Tổng thống Nga Putin và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông, Vladivostok, Nga, ngày 05/09/2019. AP – Mikhail Klimentyev

Thu Hằng

Thủ tướng Fumio Kishida, cùng với 62 quan chức, doanh nhân, giáo sư Nhật Bản bị vĩnh viễn cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Nga. Biện pháp đáp trả được bộ Ngoại Giao Nga công bố ngày 04/05/2022 chỉ là bước tiếp theo trong loạt trả đũa trừng phạt nhau kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraina và bị Nhật Bản cùng với phương Tây lên án mạnh mẽ. Mối quan hệ giữa Tokyo và Matxcơva vốn đã căng thẳng, giờ xuống cấp nghiêm trọng.

Theo AFP, Nga cáo buộc chính phủ của thủ tướng Kishida đã « vu khống »« tung một chiến dịch chống Nga chưa từng có »« đưa ra những biện pháp nhằm dỡ bỏ mối quan hệ láng giềng hữu hảo, tác động đến nền kinh tế và danh tiếng quốc tế của Nga ». Thủ tướng Kishida biết tin khi đang thăm Vatican và Roma, đánh giá quyết định của Nga là « không thể chấp nhận được ». Theo ông Kishida, « chính Nga mới là bên làm cho quan hệ Nhật-Nga đến mức độ này ».

Quan hệ Nga-Nhật xấu đi

Nga và Nhật Bản « lời qua tiếng lại »« ăn miếng trả miếng » ngay khi Tokyo ngả theo phương Tây lên án cuộc tấn công Ukraina do Matxcơva phát động ngày 24/02. Phát biểu ngày 27/02, thủ tướng Fumio Kishida khẳng định : « Nhật Bản sẽ cho thấy rằng những kẻ phạm những hành động như vậy sẽ phải trả giá. Chúng tôi không thể giữ mối quan hệ như trước với Nga ».

Trong chuyến công du Ba Lan ngày 04/04, ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi cho biết « đã tận mắt chứng kiến tình cảnh của người tị nạn khó khăn đến mức nào ». Ông lên án « cuộc tấn công của Nga là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và là một âm mưu đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực ».

Tokyo cho rằng « đã đến lúc phải đưa ra những quyết định để bảo vệ trật tự thế giới ». Hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga của Nhật Bản được phối hợp nhịp nhàng với phương Tây : loại nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, cấm xuất khẩu linh kiện điện tử sang Nga, ngừng nhập than của Nga (nhưng vẫn duy trì các dự án dầu khí ngoài khơi Sakhaline, vùng Viễn Đông Nga), phong tỏa tài sản của hàng chục doanh nghiệp và cá nhân, trong đó có tổng thống Vladimir Putin, cấm nhập khẩu máy công nghiệp Nga, rượu vodka, trục xuất 8 nhà ngoại giao, công chức của thương vụ Nga…

Phía Nga đáp trả các biện pháp tương tự : thông báo trục xuất 8 nhà ngoại giao Nhật Bản ngày 27/04, hủy cấp visa cho người Nhật muốn đến quần đảo Kuril. Biện pháp cứng rắn nhất là ngày 22/03, Matxcơva thông báo chấm dứt tất cả các cuộc đàm phán với Nhật Bản, kể cả các dự án kinh tế, vì cho rằng « không thể đối thoại với một Nhà nước công khai lập trường thiếu hữu nghị và tìm cách làm hại lợi ích » của Nga. Đến ngày 25/04, phó thủ tướng Nga Yuri Trutnev thông báo quần đảo Kuril sẽ được đầu tư phát triển.

Ông James Brown, chuyên gia về Nga thuộc đại học Temple ở Tokyo, khi trả lời báo Le Monde, cho rằng không có gì ngạc nhiên vì « Matxcơva đã hứa là đáp trả thích đángCác biện pháp của Nga đã được chờ đợi từ khi Nhật Bản thông báo loạt trừng phạt sau vụ tấn công Ukraina ».

Viễn cảnh hiệp định hòa bình Nga-Nhật lùi xa

Chiến tranh ở Ukraina đẩy đàm phán hòa bình Nga-Nhật vào ngõ cụt. Bốn hòn đảo (Etorofu (Iturup), Shikotan, Habomai và Kunashiri) ở phía nam quần đảo Kuril, mà Nhật Bản gọi là « Những vùng lãnh thổ phương Bắc », là « mối bận tâm chính » của hai nước. Tranh chấp chủ quyền đối với khu vực này đã khiến hai nước không ký được hòa ước từ sau Thế Chiến II. Trong những ngày cuối của Thế Chiến II, quân đội Liên Xô đã chiếm bốn hòn đảo này, đưa lính Nhật trên đảo đến Siberi, sau đó đơn phương sáp nhập vào tháng 02/1946.

Bộ Ngoại Giao Nhật Bản xác định cuộc xung đột Nga-Ukraina từ giờ gây cản trở cho việc tiếp tục các cuộc đối thoại với Nga về khả năng đi đến một hiệp định hòa bình song phương. « Việc từ bỏ các cuộc đàm phán Nga-Nhật kéo theo gia tăng hoạt động quân sự quanh quần đảo », theo Philippe Mesmer, thông tín viên của Le Monde tại Tokyo. Vụ việc khởi đầu cho chuỗi căng thẳng trong thời gian gần đây là một máy bay trực thăng Nga xâm phạm trong một thời gian ngắn không phận của Nhật Bản trong ngày 02/03, buộc chiến đấu cơ của Nhật Bản phải can thiệp. 

Vào đầu tháng 4, lần đầu tiên kể từ năm 2003, Nhật Bản tái khẳng định có chủ quyền đối với bốn hòn đảo ở phía nam quần đảo Kuril, « đang bị Nga chiếm đóng bất hợp pháp ». Sau đó, cụm từ này được ghi trong Sách Xanh thường niên về Ngoại giao Nhật Bản, được công bố ngày 22/04.

Đáp trả Tokyo, Matxcơva đã huy động lực lượng tiến hành tập trận ở biển Nhật Bản vào lúc chiến tranh tại Ukraina vẫn dữ dội, huy động « hơn 15 chiến hạm, trong đó có 2 tầu ngầm Petropavlovsk-Kamtchatsky và Volkhov » và « đã bắn tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu kẻ thù giả định », theo thông báo ngày 13/04 của bộ Quốc Phòng Nga.

Ngoài bối cảnh quốc tế hiện nay, chính phủ của thủ tướng Kishida cũng chấm dứt giai đoạn hòa hoãn với Nga dưới thời người tiền nhiệm Shinzo Abe, mà ông Kishida làm ngoại trưởng. Để tránh làm phật lòng tổng thống Putin, chính quyền Tokyo thời đó đã không lên án Nga về việc sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina năm 2014, hay việc Matxcơva ủng hộ chế độ Damas, cũng như vụ đầu độc cựu điệp viên Serguei Skripal tại Anh. Tuy nhiên, dù có đến 28 cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo, cùng với nhiều hứa hẹn hợp tác kinh tế được đưa ra vào tháng 12/2018 cho những hòn đảo có tranh chấp, Nga vẫn yêu cầu phải thực « dựa theo pháp luật của Nga vì dĩ nhiên, những hòn đảo đó thuộc về Nga ».

Vận động các nước trong vùng để tránh bị cô lập 

Nhật Bản là nước châu Á duy nhất của nhóm G7 và cũng là nước duy nhất ở châu Á mạnh mẽ lên án cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraina và trừng phạt chính quyền Matxcơva. Nếu như châu Âu phải đối mặt với hiểm họa Nga, thì Nhật Bản có đến hai mối đe dọa : Trung Quốc và những tham vọng bá quyền, tranh chấp biển đảo ; Nga cũng « chứng tỏ cũng có khả năng hoạt động ở cả hai mặt trận Tây và Đông », theo đánh giá của bộ trưởng Quốc Phòng Nobuo Kishi. Cho đến giờ vẫn chỉ tập trung ở sườn tây nam để đối phó với Trung Quốc, lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ phải tăng cường lực lượng ở vùng biển phía bắc, như vào thời Liên Xô.

Theo Philippe Pons, thông tín viên của Le Monde tại Tokyo, những trừng phạt của Nga đáp trả Nhật Bản, cũng như quan hệ song phương xuống cấp, hiện không phải là mối bận tâm hàng đầu của thủ tướng Kishida. Ưu tiên của ông là « thúc đẩy lập trường của các nước Đông Nam Á gần với lập trường của nhóm G7 để không bị cô lập ngay trong khu vực này ». Tokyo cho rằng cuộc chiến ở Ukraina có nguy cơ làm các quy định quốc tế bị xuống cấp, bắt đầu từ châu Âu và có thể lan sang bên kia địa cầu, vì lãnh thổ Nga kéo dài đến Viễn Đông trong khi Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền với Nga.

Qua chuyến công du ba nước Đông Nam Á (Indonesia, Việt Nam và Thái Lan, từ 29/04-01/05), thủ tướng Kishida muốn ngầm nhắc nhở rằng cuộc xâm lược mà Ukraina là nạn nhân có thể diễn ra ở nơi khác và các nước trong vùng phải thể hiện đoàn kết trong việc lên án Nga. Tuy nhiên, tuy nhất trí « bác mọi ý đồ đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực » nhưng Indonesia, Việt Nam và Thái Lan vẫn không nêu đích danh Nga. Ký ức đau thương về nhân mạng của cuộc chiến tranh lạnh tại khu vực này vẫn còn hiển hiện. Không một nước Đông Nam Á nào muốn lại bị trở thành trò chơi trong những cuộc xung đột dựa trên « thuyết domino », được Mỹ cổ vũ mạnh mẽ vào thời đó : Nếu một nước sụp đổ thì sẽ kéo theo hàng loạt nước khác và như vậy có lợi cho đối thủ.

Việc Nhật Bản kịch liệt lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraina được đánh giá là sự kiện hiếm hoi. Đất nước nổi tiếng với chính sách chủ hòa, rất thực dụng, « thường không để ý đến những chuyện không tác động trực tiếp đến nước này », theo nhận định của nhà sử học Jean-Marie Buissou, được báo mạng Marianne trích ngày 04/05. Ông Robert Dujarric, đồng giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á đương đại thuộc Đại học Temple ở Tokyo, nhận định : « Có thể phần nào bị sức ép của Mỹ, Nhật Bản đã đưa ra những biện pháp trừng phạt Nga » để giữ sự ủng hộ chiến lược của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc.

Bài Liên Quan