Philippines đặt ‘mốc chủ quyền’ ngoài khơi các đảo trong vùng Biển Đông tranh chấp

Cờ Philippines tung bay trên một chiếc quân hạm đã xuống cấp trầm trọng BRP Sierra Madre bị mắc cạn từ năm 1999 và trở thành một đơn vị trú quân của Philippine trên Bãi cạn Thomas thứ Hai (bãi Cỏ Mây), một phần của quần đảo Trường Sa, ở Biển Đông, vào ngày 29/03/2014. (Ảnh: Erik De Castro/Reuters)ĐÔNG DƯƠNG

Philippines đặt ‘mốc chủ quyền’ ngoài khơi các đảo trong vùng Biển Đông tranh chấp

  • Thứ ba, 24/05/2022

Philippines đã đặt năm phao điều hướng hàng hải dài 30 foot (9 mét) mang quốc kỳ nước này ngoài khơi bốn đảo gần khu vực Biển Đông đang tranh chấp (South China Sea), nơi Bắc Kinh đang tăng cường sự hiện diện quân sự của mình.

Hôm 18/05, Lực lượng Tuần Duyên Philippines (PCG) thông báo về việc cho đặt năm phao điều hướng hài hải trên bốn hòn đảo quan trọng — Đảo Lawak (Đảo Vĩnh Viễn), Đảo Likas (Đảo Bến Lạc), Đảo Parola (Đảo Song Tử Đông) và Đảo Pag-asa (Đảo Thị Tứ) — trong khu vực Biển Đông, mà người Philippines gọi là Biển Tây Philippines. 

Đô đốc Artemio Abu, chỉ huy Lực lượng Tuần Duyên Philippines cho biết các mốc chỉ giới này [nhằm báo hiệu rằng] vùng nước lân cận đã được chỉ định là các khu bảo vệ đặc biệt, nơi cấm khai thác và thăm dò dầu khí.

Ông Abu ca ngợi lực lượng đặc nhiệm này vì “thành công vang dội trong việc lắp đặt các mốc chủ quyền của chúng ta, những [phao điều hướng] này hiện đang phát sáng tín hiệu vào ban đêm để hướng dẫn các thủy thủ khi họ đi ngang qua vùng nước nguy hiểm [trong vùng Biển Tây Philippines].”

Ông nói trong một tuyên bố, “Một số thuyền đánh cá của Việt Nam, tàu cá Trung Quốc và tuần duyên hạm Trung Quốc cách không xa vị trí của họ là bao, đặc biệt là ở vùng biển lân cận ngoài khơi Đá Xu Bi (Subi Reef).”

Ông Abu cho rằng lực lượng tuần duyên Philippines đã chuẩn bị sẵn sàng để thách thức các tàu của Trung Quốc và của Việt Nam nếu họ can thiệp vào nhiệm vụ lắp đặt phao điều hướng hàng hải trên những hòn đảo này.

Ông nói thêm, “Sự hướng dẫn của tôi dành cho họ là hãy để chúng tôi trở thành những người thách thức họ. Nhưng theo hạm đội tuần duyên, Biển Tây Philippines rất yên bình, và các tàu của Việt Nam và Trung Quốc đã tôn trọng sứ mệnh của chúng tôi.” 

Theo Lực lượng Tuần Duyên Philippines, các phao điều hướng hàng hải này được nhập từ Tây Ban Nha và được trang bị các thiết bị hỗ trợ hàng hải hiện đại như đèn điều hướng và hệ thống giám sát chuyên dụng có thể truyền dữ liệu về trụ sở ở Manila qua vệ tinh.

Hôm 17/05, Lực lượng Tuần Duyên Philippines thông báo rằng họ đã thành lập các tiền đồn chỉ huy giám sát mới trên đảo Bến Lạc, đảo Vĩnh Viễn, và đảo Song Tử Đông nhằm nâng cao “nhận thức trong lĩnh vực hàng hải” của Manila ở Biển Tây Philippines.

Ông Abu cho biết, “Các [tiền đồn chỉ huy giám sát] này sẽ tối ưu hóa việc khai triển chiến lược các tài sản của PCG [Lực lượng Tuần Duyên Philippines] bằng cách giám sát hoạt động qua lại của thương thuyền trong vùng biển xung quanh các tiền đồn này và truyền thông tin về các sự cố hàng hải cho trụ sở quốc gia của PCG.”

Bắc Kinh tuyên bố rằng phần lớn Biển Đông là thuộc chủ quyền của riêng mình theo cái gọi là “đường chín đoạn”. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye đã ra phán quyết có lợi cho Philippines, tuy nhiên phán quyết này có ít hoặc không có ảnh hưởng gì đến hành vi của Trung Quốc, thể hiện qua việc Bắc Kinh liên tục xâm phạm vào các khu vực lãnh thổ của Manilla.

Trước đó hồi tháng Ba, Philippines đã triệu tập đại sứ của Trung Quốc sau khi một trinh sát hạm của Trung Quốc được phát hiện đi vào vùng biển Philippines mà không có sự cho phép từ ngày 29/01 đến ngày 01/02. 

Bộ Ngoại giao nước này cáo buộc rằng quân hạm Trung Quốc này tiếp tục các hoạt động của mình và “nán lại” ở Biển Sulu trong ba ngày ngay cả sau khi hải quân Philippines đã nhiều lần ra lệnh cho con tàu này phải lập tức rời đi.

Hồi tháng Mười Một năm ngoái, Philippines đưa tin rằng ba tuần duyên hạm Trung Quốc đã chặn và bắn vòi rồng vào hai tàu tiếp tế của họ đang vận chuyển lương thực cho lực lượng thủy quân lục chiến đóng trên tàu Sierra Madre, một chiến hạm của Hải quân Philippines bị mắc cạn trên quần đảo Trường Sa.

Các quốc gia khác, bao gồm Brunei, Malaysia, Đài Loan, và Việt Nam, cũng có các tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông.

Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.

Thanh Nhã biên dịch

Bài Liên Quan