USCIS cử nhạc sỹ Nam Lộc làm ‘Đại sứ Quốc tịch’

15/07/2022


Nhạc sỹ Nam Lộc trong một chương trình tư vấn đề di trú. Ảnh do ông Nam Lộc cung cấp.
Nhạc sỹ Nam Lộc trong một chương trình tư vấn đề di trú. Ảnh do ông Nam Lộc cung cấp.

Nhạc sĩ Nam Lộc vừa được Cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) phong làm “Đại sứ Quốc tịch” nhằm kết nối sâu rộng với cộng đồng trong nỗ lực khuyến khích thêm nhiều người di dân nhập tịch, điều mà ông nói với VOA là tiếp tục những đóng góp “nhỏ bé” của mình sau hơn 40 năm hỗ trợ người di cư, người tị nạn về vấn đề di trú.

Hôm 12/7, lần đầu tiên USCIS trao chức danh này cho 8 người Mỹ từng là di dân hoặc công dân Mỹ có thâm niên phục vụ cộng đồng trong lãnh vực di trú. Đây là một sáng kiến của USCIS nhằm giúp thu hút cộng đồng địa phương trong công việc thúc đẩy giáo dục công dân và quyền công dân Hoa Kỳ, theo đó sẽ nối kết các cá nhân và địa phương với hơn 9.1 triệu thường trú nhân hợp pháp có thể nộp đơn xin nhập tịch và những người không thể tiếp cận hoặc không rành thủ tục nhập tịch.

“Những đại sứ này sẽ giúp làm sáng tỏ quy trình nhập tịch và chia sẻ tác động thay đổi cuộc sống của việc nhập quốc tịch Hoa Kỳ”, USCIS cho biết trong một thông cáo.

Giám đốc USCIS Ur M. Jaddou giới thiệu 8 Đại sứ Quốc tịch hôm 12/7/2022. Photo Facebook USCIS.
Giám đốc USCIS Ur M. Jaddou giới thiệu 8 Đại sứ Quốc tịch hôm 12/7/2022. Photo Facebook USCIS.

Nhạc sĩ kiêm MC Nam Lộc, nói với VOA hôm 14/7:

“Tôi rất hãnh diện vì mình được sự tin cậy của các cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ, và đặc biệt hơn là có cơ hội để được phụ vụ chính đồng bào của mình”.

Ông Nam Lộc khiêm tốn cho biết thêm:

“Đây chỉ là một sự đóng góp nhỏ bé của mình. Sau hơn 40 năm làm việc gần gũi với Sở Di trú Hoa Kỳ cũng như các cơ quan định cư người tị nạn, tôi có một chút kinh nghiệm và có mối liên hệ. Vì thế trong thời gian tôi nghỉ hưu bây giờ, tôi có chút thì giờ, Sở Di trú mời tôi vào chức vụ này không ngoài mục đích để thúc đẩy và khuyến khích những người di dân và tị nạn trở thành quốc tịch Hoa Kỳ, để họ có thể sử dụng được quyền của người công dân Mỹ.

“Cá nhân tôi nghĩ đây là một bổn phận mình đóng góp lại cho những gì mà mình đã nhận được trong suốt hơn 40 năm làm việc”.

Trang USCIS viết về những đóng góp của nhạc sỹ Nam Lộc cho lĩnh vực di trú. Photo USCIS.
Trang USCIS viết về những đóng góp của nhạc sỹ Nam Lộc cho lĩnh vực di trú. Photo USCIS.

Ông Nam Lộc, tên đầy đủ là Nguyễn Nam Lộc, 78 tuổi, ngoài vai trò là một nhạc sĩ, ông còn là một tên tuổi quen thuộc trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại như một nhà hoạt động xã hội, từng là MC của Trung tâm Asia, từng là Giám Đốc của Cơ Quan Từ Thiện Công Giáo Hoa Kỳ – USCC Los Angeles.

“Nhạc phẩm của ông Nguyễn Nam Lộc phản ánh trải nghiệm tị nạn của chính ông. Kể từ khi tái định cư ở Los Angeles, ông đã tham gia rất nhiều vào việc tái định cư những người tị nạn từ Đông Nam Á, Đông Âu, Trung Mỹ và Trung Đông. Ông sẽ tiếp tục phục vụ cộng đồng nhập cư Los Angles với tư cách là Đại sứ Quốc tịch của USCIS”, cơ quan di trú Hoa Kỳ viết trên Twitter hôm 14/7.

Ông Nam Lộc và một gia đình di dân người Việt. Ảnh do ông Nam Lộc cung cấp.
Ông Nam Lộc và một gia đình di dân người Việt. Ảnh do ông Nam Lộc cung cấp.

Nhắc đến nhạc sĩ Nam Lộc, nhiều người liên tưởng ngay tới “Người di tản buồn”, “Sài Gòn ơi, Vĩnh biệt!”, hai trong số những ca khúc diễn tả được tâm trạng của những người Việt tị nạn đã bỏ nước ra đi sau ngày 30/4/1975.

“Tôi tin rằng tất cả những người tị nạn như tôi, họ đặt chân đến quốc gia này vì lý tưởng tự do, vì dân chủ, vì nhân quyền. Và để thể hiện những điều này, thì không còn phương cách nào thực tế hơn, là sử dụng lá phiếu của mình trong các cuộc bầu cử. Bỏ phiếu, để tranh đấu cho quyền lợi của chính mình, của gia đình mình, của cộng đồng mình, hay cho những người ‘thấp cổ, bé miệng’”, ông Nam Lộc cho biết.

“Tuy nhiên, muốn được quyền bầu phiếu thì bạn phải là ‘Công Dân Hoa Kỳ’. Vì thế tôi cho rằng, việc trở thành công dân Mỹ, phải được xem là mục tiêu tối hậu của những người di dân và tị nạn”, ông nói thêm.

Ông Nam Lộc là người gốc Việt đầu tiên được cử làm Đại sứ Quốc tịch của USCIS. Những người còn lại phần lớn là những di dân, trong đó có người đến từ Cộng hòa Dominica, Haiti, Somali, Brazil.

Bài Liên Quan