14 tháng 10 2022
“Chăng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”
Hai chữ Văn minh và Thanh lịch của người Hà Nội được thể hiện rõ qua triển lãm Nếp Xưa ở Bảo tàng Hà Nội từ ngày 6 – 10/10.
Một Hà Nội của thế kỷ 19 – 20 được thu gọn lại trong một không gian khiêm tốn với hơn 200 tài liệu hiện vật, trưng bày theo 4 nội dung chính: Phòng khách, Phòng thờ, Nhà biệt thự, Trang phục áo ngũ thân.
Nói tới nề nếp thì truyền thống gia đình chiếm phần quan trọng hình thành nên những nét đẹp trong văn hóa người Hà Nội. Nếp nhà, nếp ăn mặc, giao tiếp, nếp ở là những giá trị văn hoá tạo nên nét đẹp của người Hà Nội xưa.
Những gì các thế hệ sau này như tôi nhớ lại là lời dạy rằng nhà cửa dù tuềnh toàng hay nhiều đồ đạc nhưng các cụ vẫn luôn rèn con cháu phải giữ nhà cửa luôn sạch sẽ.
Rồi là “quét nhà không được “một nhát đến tai, hai nhát đến gáy”, quét xong không được vun rác dưới gầm giường kiểu “khuất mắt trông coi”.
Vẫn nễp xưa đó nói rằng khi nhà có khách, trẻ nhỏ được giáo dục phải khoanh tay cúi đầu chào người lớn.
Gọi nhau thưa gửi phải xưng là anh, là chị, là cậu chứ không xưng hô “mày tao chí tớ” hay nói trống không. Có gia đình còn treo cả roi mây trên tường để thể hiện cái uy nghiêm và kỷ cương gia giáo.
Trong mỗi gia đình dù khá giả hay bình dân đều giữ được tôn ti trật tự, trên dưới rõ ràng. Tất cả vào khuôn phép rất tự nhiên, ví như vị trí ngồi quanh mâm cơm, thứ tự lời mời chào trước khi ăn, cách nhường nhịn nhau ngay trong bữa ăn tạo nên những nguyên tắc “trên kính dưới nhường”. Người ngoài nhìn vào dễ cho là khách sáo, hình thức, nhưng những thành viên trong một nếp nhà thấy rất tự nhiên.
Trong thời kỳ khó khăn, gia đình đông con thì con út thường mặc quần áo cũ của anh chị để lại. Quần áo lành mặc đi học, quần áo vá, pích kê mặc ở nhà hoặc đi lao động. Tuy quần áo cũ nhiều nhưng luôn đảm bảo sạch sẽ, phẳng phiu. “Đói cho sạch, rách cho thơm” là câu nói không người Hà Nội nào không thấm nhuần.
Cái nếp nhà ấy tạo cho mỗi thành viên trong gia đình một tác phong sống giản dị, quy củ và quan tâm đùm bọc lẫn nhau. Không tranh giành mà biết chia sẻ, nhường nhịn, sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Nhưng nếp sống, lối sống không phải là bất biến. Thời thế thế nào phải thế. Đã có thời, anh nào chải đầu bóng mượt, quần áo phẳng phiu thì bị quy là tác phong tiểu tư sản. Nhiều người phải tỏ ra nhếch nhác một chút để được lòng mọi người, được đánh giá là có “tác phong quần chúng”.
Anh nào nghèo, nhếch nhác là được đánh giá tốt. Có anh cố tập hút thuốc lào, ăn mặc lôi thôi để đi thực tế về nông thôn rít điếu cày, ngồi bệt cho ra vẻ… quần chúng.
Thời nay, mô hình gia đình “tứ đại đồng đường”, “tam đại đồng đường” ở Hà Nội dần được thay thế bởi gia đình hạt nhân. Ở đó, cha mẹ tất bật với công việc, con cái chạy đua với lịch học, cha mẹ không còn thời gian nhiều dành cho việc nuôi dạy con cái. Những sinh hoạt giản đơn như việc cùng nhau quây quần bên mâm cơm, cùng nhau theo dõi một chương trình truyền hình, cùng bàn luận, chia sẻ về một vấn đề… đang dần vắng mặt trong đời sống hiện đại.
Và con tạo cứ thế xoay vần, những người muôn năm cũ thanh lịch, nho nhã, công dung ngôn hạnh giờ nếu còn cũng ở tuổi thất thập cổ lai hy.
Liệu đã muộn chưa khi nói rằng chúng ta đã đến lúc phải xây dựng lại cái nếp nhà và cả cái nếp xã hội?
Khi nếp nhà chẳng còn, luật pháp không nghiêm thì xã hội có giàu có đến mấy, văn hóa Hà Nội đẹp đẽ và tao nhã cũng chỉ còn trong tâm tưởng, trong nỗi nuối tiếc của những người yêu Hà Nội mà thôi.
Lời và ảnh của Nhật Lam, gửi tới BBC từ Hà Nội.