Phi công vũ trụ ‘hữu nghị’ của Ba Lan, Miroslaw Hermaszewski vừa tạ thế

Miroslaw Hermaszewski
Chụp lại hình ảnh,Ông Miroslaw Hermaszewski trong một buổi nói chuyện với sinh viên tại Trung tâm Đoàn kết Châu Âu ở Gdansk, Ba Lan, ngày 5/2/2016

13 tháng 12 2022

Phi công Miroslaw Hermaszewski, người bay vào không gian trên tàu vũ trụ của Liên Xô năm 1978, vừa qua đời ở Warsaw hôm 12/12, thọ 81 tuổi.

Trong vòng chín ngày, vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/1978, ông cùng phi hành gia Liên Xô Klimuk bay vòng quanh Địa Cầu trên quỹ đạo 126 lần.

Tàu Soyuz 30 chở họ đáp vào trạm Salyut 6 trong chương hình Intercosmos mà Moscow mở ra cho phi công các nước “xã hội chủ nghĩa anh em” tham gia.

Sách báo Đông Âu sau 1991 đã nói nhiều về chương trình của Liên Xô nhằm tuyên truyền cho sức mạnh không gian của mình và cổ vũ tình đoàn kết quốc tế.

Truyền thông Nga cũng nhắc lại dự án khổng lồ và tốn kém ‘Intercosmos’, coi nó là hoạt động được chỉ đạo bởi tiêu chí chính trị nhiều hơn là khoa học kỹ thuật cho các nước tham gia.

“Việc chọn các ứng cử viên từ đâu là do chính trị quyết định chủ yếu. Ưu tiên được dành cho các nước mà Liên Xô coi là đồng minh quan trọng trong khối quân sự Warsaw: Đông Đức, Tiệp Khắc và Ba Lan,” trang Russia Beyond tháng 8/2018 mô tả.

Trang báo này, trong bài của tác giả Nga Boris Egorov còn nhắc đến cả chuyện nước Việt Nam ‘XHCN’ bị đặt thấp hơn các đồng minh châu Âu của Liên Xô thời đó.

Bài báo trích cựu Trung tướng KGB Nikolai Leonov nói:

“Công dân Việt Nam không thể bay lên vũ trụ trước một người Đức từ Đông Đức (DDR). Nước có ảnh hưởng lớn hơn thì được gửi người trở thành phi công vũ trụ trước.”

Thiếu tướng ‘vũ trụ’ gọi Đại tướng Tổng tư lệnh là ‘đồ đểu’

Báo Ba Lan trong một bài tưởng niệm ông Hermaszewski nói rằng chương trình Intercomos được Liên Xô khai trương năm 1976, với mục tiêu chính trị, nhằm “đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề kinh tế xã hội đang rất khó khăn ở Đông Âu”.

Tuy thế, với các quốc gia tham gia chương trình thì đây là cơ hội quý để cho công dân của họ bay lên không gia vũ trụ.

Báo Ba Lan xác nhận chuyến bay và thời gian trung tá QĐND Ba Lan Hermaszewski có mặt trên trạm quỹ đạo hoàn toàn được dành cho việc thực hiện các thí nghiệm sinh học, và ông chỉ kịp “ngắm Trái Đất từ không gian có một lần”.

Các thí nghiệm này được nối trực tiếp và trực tuyến với những viện nghiên cứu vật lý và y học không gian tại Ba Lan khi đó.

Trong một diễn biến đặc thù của chính trị Ba Lan về sau, vào ngày 13 tháng 12 năm 1981, trung tá không quân Hermaszewski có tên trong Ủy ban Quân sự Cứu Quốc (WRON), do Đại tướng Tổng tư lệnh Wojciech Jaruzelski làm Chủ tịch.

Đây là cơ quan công bố Thiết quân luật để đàn áp phong trào công nhân Công đoàn Đoàn kết.

Sau thay đổi chế độ ở Ba Lan (1989-90) phe hữu đem chuyện này ra để “kể tội” ông Hermaszewski nhưng ông phản bác lại.

Theo một cuộc trả lời phỏng vấn của ông với báo cánh hữu Gazeta Polska thì tướng Jaruzelski tự ý đưa tên ông vào danh sách ban chấp hành Ủy ban Quân sự Cứu Quốc mà ông không biết gì hết vì còn đang tập huấn ở Moscow.

Bị gọi về nước đúng ngày Thiết quân luật, Miroslaw Hermaszewski bị giữ trong doanh trại hai tuần mới được tự do.

Ông gọi Đại tướng Jaruzelski “là kẻ hành động đểu cáng” và Ủy ban ra lệnh thiết quân luật năm xưa là “tổ chức hoàn toàn phi pháp”.

Các sử gia nói việc tự ý đưa tên ông Hermaszewski, một trung tá, vào cạnh các cấp đại tướng chỉ huy công an, quân đội, bí thư trung ương Đảng là có chủ ý đánh bóng hình ảnh cho nhóm chủ trương Thiết quân luật.

Đến 1982 ông mới lên đại tá và năm 1988 được phong tướng.

Tuy là cựu đảng viên Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan (cộng sản), ông Hermaszewski có con rể hiện là dân biểu Nghị viện châu Âu, Ryszard Czarnecki, chính trị gia cánh hữu, thuộc đảng PiS đang cầm quyền ở Ba Lan.

Ông Czarnecki công bố hôm 13/12 trên Twitter về cái chết của bố vợ, gọi Tướng Hermaszewski là “một phi công, một người đàn ông tuyệt vời, và trên hết là người cha, người ông rất tốt”.

Miroslaw Hermaszewski
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (trái) trao huy chương “Vì công lao trong thám hiểm không gian” cho phi hành gia người Ba Lan Miroslaw Hermaszewski trong buổi lễ trao giải ở Moscow Kremlin, ngày 12/4/2011.

Các chuyến bay hữu nghị và khoa học

Theo bách khoa toàn thư Britannica ở Anh, lần lượt các nước thân hữu của Liên Xô “được gửi phi công vào vũ trụ” như sau:

Tháng 3/1978: Vladimir Remek của Liên bang CHXHCN Tiệp Khắc. Đến tháng 6 cùng năm là Miroslaw Hermaszewski của Cộng hòa Nhân dân Ba Lan.

Người thứ ba bay lên bằng tàu vụ trụ Liên Xô năm 1978 Sigmund Jahn, công dân Đông Đức.

Sau đó, đến lượt các phi hành gia Hungary, Bulgaria, Cuba, Việt Nam, Mông Cổ, Romania, Syria, Afghanistan.

Người Việt Nam bay vào vũ trụ là phi công QĐNDVN Phạm Tuân.

Trang Britannica của Anh có trang riêng về ông, ghi nhận chuyến bay của sĩ quan không quân Việt Nam Phạm Tuân ngày 23/07/1980 trên tàu Soyuz 37 cùng Viktor Gorbatko, phi công Liên Xô. Chuyến bay kéo dài gần 8 ngày, với sáu ngày trên trạmg Salyut 6.

Vị trí của ông Phạm Tuân là “phi hành gia nghiên cứu”. Tuy thế, trang web này cũng nói “Phi công Phạm Tuân được chính phủ Việt Nam chọn để đại diện cho nước này tham gia Intercosmos. Trong chương trình này thì các phi công không phải người Liên Xô được ghép vào tổ bay với các phi công Liên Xô có kinh nghiệm, trong các chuyến bay thông lệ, nhằm thể hiện tình đoàn kết trong Khối Hiệp ước Warsaw và tình cảm thân thiện của họ với Liên Xô.”

Pham Tuan
Chụp lại hình ảnh,Tướng Phạm Tuân (trái), cựu phi công Không quân Việt Nam, hội đàm với Tướng Viktor Bondarev (giữa), Tổng tư lệnh Lực lượng Không quân Nga trong lễ kỷ niệm 40 năm “Điện Biên Phủ” ở Hà Nội, ngày 29/12/2012

Ở giai đoạn cuối của Intercosmos, Liên Xô cho cả phi công Ấn Độ và Pháp dự chương trình.

Năm 1982, Jean-Loup Chretien của Pháp bay lên bằng tàu vũ trụ Liên Xô, tới trạm Salyut 7.

Khác với các chuyến bay “thuần tuý hữu nghị”, sự xuất hiện của ông Chretien, người sau về hưu với hàm chuẩn tướng không quân Cộng hòa Pháp, đánh dấu giai đoạn Đông-Tây thực sự trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu và chinh phục không gia.

Khi bay cùng đoàn Liên Xô ông Jean-Loup Chretien đã là chủ nhiệm văn phòng nghiên cứu không gian CNES của Pháp, và là một phi công chuyên bay thử các loại phi cơ hiện đại. Ông cũng là công dân Tây Âu đầu tiên tham gia Intercomos.

Sang năm 1984-85, ông tập luyện cùng NASA của Hoa Kỳ để chuẩn bị bay tàu con thoi nhưng chuyến bay đã lên lịch bị dừng sau tai nạn tàu Challenger (1986).

Đến năm 1988, Chretien trở lại trạm Mir của Liên Xô và bay vào vũ trụ lần thứ ba năm 1997 với tư cách là phi công do Hoa Kỳ đào tạo trên phi thuyền con thoi.

Bài Liên Quan