Vì sao Hoa Kỳ và Philippines cập nhật Hiệp ước quốc phòng ?

Đăng ngày: 05/05/2023

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (G) cùng phu nhân được chào đón bởi phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris (P) tại Đài thiên văn Hải quân Hoa Kỳ, Washington, ngày 02/05/2023. AP – Patrick Semansky

Anh Vũ

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr hôm 01/05 vừa qua, Manila và Washington đã ký thỏa thuận có tên gọi « hướng dẫn phòng thủ song phương ». Văn kiện đã được công bố ngày 03/05 vừa qua nhằm xác định cụ thể hóa vai trò của Mỹ trong Hiệp ước quốc phòng ký từ năm 1951, nhưng trong tình hình mới Philippines muốn làm sáng tỏ hơn.

Quan hệ giữa Philippines và Hoa Kỳ đã có những bước chuyển biến nhanh chóng từ khi tổng thống Ferdinad Marcos Jr. lên nắm quyền. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, ông Marcos Jr. đã tiếp đón ba lãnh đạo hàng đầu chính quyền Mỹ, cử các bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao đến Washington họp với đồng nhiệm Mỹ. Cũng trong gần một năm qua, chính quyền Manila đã chấp nhận mở thêm 4 căn cứ quân sự cho quân đội Mỹ. Hai nước cũng vừa mới tổ chức cuộc tập trận chung thường niên Balikatan quy mô hoành tráng nhất từ trước tới nay.

Mối quan hệ đồng minh này đã được bảo đảm bằng Hiệp ước Quốc Phòng chung ký từ 1951 và một thỏa thuận bổ sung năm 2014, cho phép quân đội Mỹ cất giữ vũ khí khí tài tại các căn cứ của Philippines. Trong bối cảnh quan hệ đối tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng Mỹ-Philippines được bảo đảm như vậy, giới quan sát đặt câu hỏi tại sao giờ đây Manila lại muốn cập nhật lại các văn kiện vẫn tồn tại từ hơn bảy mươi năm nay ? 

Trong chuyến công du Washington vừa qua, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã nhấn mạnh giờ đây đất nước ông nằm trong vùng « phức tạp nhất trên bình diện địa chính trị và vì thế điều hoàn toàn tự nhiên là Philippines quay sang một nước duy nhất đã được gắn kết với mình bằng một hiệp ước » quốc phòng.

Đồng minh sẽ bảo vệ Philippines ?

Thời gian gần đây, Manila liên tục lên tiếng tố cáo những hành vi gây hấn của các tầu tuần duyên và các tàu dân quân biển trá hình tàu cá của Trung Quốc trong vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Philippines. Mặt khác trong hoàn cảnh khó khăn về năng lượng toàn cầu do cuộc chiến tranh tại Ukraina, Philippines muốn sớm được tiến hành các hoạt động thăm dò khai thác các mỏ khí đốt trong vùng đặc quyền kinh tế nhưng vẫn bị Trung Quốc đòi chủ quyền.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, Philippines giờ đây muốn được đồng minh cam kết rõ ràng sẽ bảo vệ mình như thế nào, và như vậy có thể khiến Trung Quốc chùn bước trong các tranh chấp chủ quyền với Philippines tại biển Đông.

Văn bản « hướng dẫn phòng thủ » được bộ Quốc Phòng Mỹ vừa công bố hôm 03/05, nêu rõ rằng những cam kết phòng thủ chung sẽ được vận dụng trong trường hợp một trong hai đồng minh bị tấn công quân sự « bất kỳ ở đâu trong Biển Đông ». Một chi tiết khác được đưa vào văn kiện là giờ đây các tàu tuần duyên cũng thuộc đối tượng được bảo vệ bởi Hiệp ước Quốc phòng.

Điểm đáng chú ý khác là văn bản hướng dẫn ghi nhận hai bên cần phải phối hợp với nhau để đối phó với « cuộc chiến tranh không cân xứng, chiến tranh hỗn hợp và các chiến thuật vùng xám ». Thuật ngữ quân sự « chiến thuật vùng xám » thường được Mỹ sử dụng để chỉ việc Trung Quốc dùng các phương tiện phi quân sự như tàu tuần duyên hay các đội tàu cá nhằm khẳng định nhưng đòi hỏi lãnh thổ trong vùng Biển Đông. Trong chiến thuật này có cả những hành động phong tỏa, hăm dọa hay những biện pháp gây rối các hoạt động đánh bắt cá hay tham dò khai thác tài nguyên của đối phương.

Cần nhắc lại là Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên các đảo cũng như các vùng biển cách bờ biển của họ đến 1500 km, trong đó bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của 5 quốc gia. Các nước này thường xuyên tố cáo các hành động khiêu khích theo kiểu « chiến thuật vùng xám » nói trên.

Có thể Manila nhận thấy, biết được các tình huống mà Hoa Kỳ sẽ phải can thiệp theo hiệp ước có thể là một biện pháp răn đe khiến Bắc Kinh phải tính lại một số chiến lược của họ trên Biển Đông để tránh đối đầu với các lực lượng Hoa Kỳ, trong đó có cách hành xử của lực lượng tuần duyên Trung Quốc.

Nhưng Trung Quốc cũng có thể sử dụng các tàu của mình để kiểm tra các giới hạn trong cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ và tìm cách làm suy yếu liên minh, đặt Washington vào một vị trí khó khăn khi họ có thể miễn cưỡng can thiệp do lo ngại về sự leo thang hoặc tính toán sai lầm.

Bài Liên Quan