Philippines đặt các phao hơi trên Biển Đông để khẳng định chủ quyền

Cảnh hòn đảo phía Việt Nam gọi là Thị Tứ, trong khi Philippines gọi là Pag-asa vào ngày 09/03
Chụp lại hình ảnh,Hòn đảo phía Việt Nam gọi là Thị Tứ, trong khi Philippines gọi là Pagasa, ảnh vào ngày 09/03

15 tháng 5 2023

Philippines đã đặt các phao hơi trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) để khẳng định chủ quyền liên quan đến quần đảo Spratly mà phía Việt Nam gọi là Trường Sa, người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của quốc gia này cho biết vào Chủ nhật 14/05.

Động thái này của Philippines diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những hành động hung hãn hơn trên Biển Đông khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đang muốn có mối quan hệ ấm áp hơn với quốc gia đồng minh hiệp ước là Mỹ.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Philippines (PCG) cho biết đã thiết lập năm chiếc phao hơi mang quốc kỳ từ ngày 10 đến 12/05 tại năm khu vực trong khu vực rộng 322 km, bao gồm rạn san hô Whitsun, nơi hàng trăm tàu thuyền của Trung Quốc neo đậu vào năm 2021.

“Bước đi này nhấn mạnh đến ý chí không thể xoay chuyển của Philippines trong việc bảo vệ đường biên giới và nguồn tài nguyên lãnh hải của mình và đóng góp vào an toàn giao thương hàng hải,” Thiếu tướng Jay Tarriela, người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Philippines về những vấn đề Biển Đông phát biểu trên Twitter

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila không lập tức phản hồi yêu cầu bình luận từ Reuters.

Vào tháng 05/2022, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Philippines đã lắp đặt năm phao hơi tại bốn hòn đảo trong quần đảo Spratly mà phía Việt Nam gọi là Trường Sa.

Yêu sách chủ quyền trên hầu hết khu vực Biển Đông của Trung Quốc đã bị Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA) phán quyết là vô hiệu vào năm 2016.

Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền trong quần đảo Spratly, trong khi Trung Quốc đang tiến hành bồi đắp để xây dựng các đảo trên những rạn san hô, lắp đặt hệ thống tên lửa và xây dựng các đường băng.

Bắc Kinh trong những năm qua cũng đã huy động hàng trăm tàu cảnh sát biển và tàu đánh bắt cá trong những khu vực xảy ra tranh chấp.

Mỹ tiếp cận 9 căn cứ quân sự tại Philippines

Hồi đầu tháng này, Mỹ đã đề ra các điều khoản rõ ràng và quy mô các cam kết hiệp ước trong việc bảo vệ Philippines, ban hành các hướng dẫn mới cụ thể liên quan đến trường hợp xảy ra các cuộc tấn công trên Biển Đông.

Bản hướng dẫn “phòng vệ song phương” dài sáu trang đã được Manila và Washington đồng thuận, có nội dung những cam kết hiệp ước song phương sẽ bị kích hoạt nếu xảy ra cuộc tấn công trên Biển Đông và trong trường hợp các tàu bảo vệ bờ biển trở thành mục tiêu.

Bản hướng dẫn này cũng được cập nhật với đề cập những hình thức chiến tranh hiện đại, bao gồm “chiến thuật vùng xám” mà Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng để khẳng định chủ quyền. Tài liệu này không đề cập cụ thể đến Trung Quốc.

Biển Đông được xem là một tuyến huyết mạch quan trọng trong nền giao thương toàn cầu, và trở thành điểm chính trong căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Các hướng dẫn này đã phát đi “một cảnh báo” đến Trung Quốc nếu muốn nhắm tới Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines, Rommel Ong, Giáo sư từ trường Ateneo School of Government bình luận với Reuters hồi đầu tháng này.

Julio Amador, người đứng đầu Foundation for the National Interest, một cơ quan nghiên cứu ở Manila nói “Rõ ràng điều này sẽ khiến Trung Quốc phải dừng lại một khoảng nào đó.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó lên tiếng phản đối việc sử dụng các hiệp ước quốc phòng song phương để tiến hành can thiệp về vấn đề Biển Đông, tuyên bố “đây không phải là một chiến trường chính cho những thế lực bên ngoài”.

Bài Liên Quan