Việt Nam: Làm sao tránh trở thành bãi rác công nghiệp của Trung Quốc?

THANH PHƯƠNG / RFI (Điểm báo) –

Việt Nam: Làm sao tránh trở thành bãi rác công nghiệp của Trung Quốc?

.

Ảnh minh họa: Một nhà máy dệt tại tỉnh Hà Nam. Việt Nam phải biết sàng lọc các dự án đầu tư nước ngoài để tránh trở thành bãi rác công nghiệp của Trung Quốc. Reuters

Tạp chí Việt Nam trong dòng thời sự tuần này xin được dành để điểm qua một số bài trên báo chí quốc tế trong tháng 5 nói về Việt Nam. “Làm sao để Việt Nam tránh trở thành bãi rác công nghiệp của Trung Quốc?” Đó là câu hỏi được tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post đặt ra trong một bài đăng ngày 09/05/2019.

Tờ báo nhắc lại là trong thập niên qua, Việt Nam thu hút rất nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI ) đến từ Trung Quốc, do các doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng đầu tư ra nước ngoài nhằm thúc đẩy việc thâm nhập các thị trường mới. Nguồn vốn đầu tư từ Hoa lục, Hồng Kông và Macao chỉ ở mức 700 triệu đô la vào năm 2011, nhưng đến năm ngoái đã lên tới 2,4 tỷ đô la. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn thứ năm tại Việt Nam sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, và các lĩnh vực thu hút đầu tư Trung Quốc ngày càng đa dạng.

Theo South China Morning Post, những người ủng hộ đầu tư từ Trung Quốc nói rằng nguồn vốn này đã góp phần cung cấp việc làm và nâng cao các tiêu chuẩn về công nghiệp, lao động và quy định. Nhưng những người chỉ trích cho rằng các dự án của Trung Quốc chỉ nhằm tận dụng nhân công rẻ và khoáng sản giá rẻ, đồng thời gây ô nhiễm môi trường và đẩy các đối tác Việt Nam vào bẫy nợ.

Đầu tư nước ngoài: Con dao hai lưỡi

South China Morning Post nhấn mạnh: dựa vào đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế là con dao hai lưỡi, với việc tập trung quá nhiều xuất khẩu sẽ tạo ra những rủi ro không cần thiết. Tờ báo trích lời bộ trưởng bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh nói rằng “sự phụ thuộc quá mức (vào đầu tư nước ngoài) là một yếu tố không ổn định, bởi vì sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu.”

Tiếp đến là vấn đề ô nhiễm. Giống như Trung Quốc trước đây, Việt Nam đã du nhập nhiều ngành công nghiệp bẩn như dệt may, giày da, nhiệt điện và khai thác quặng mỏ. Vào năm 2016, công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc xả chất thải công nghiệp ra biển ở bốn tỉnh ở miền trung, một thảm họa làm dấy lên mối lo cái giá về môi trường của các dự án FDI Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hoặc sử dụng công nghệ lỗi thời, hoặc sử dụng rất ít công nghệ mới. Do đó, Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác công nghệ Trung Quốc, nếu không biết chọn lựa các dự án một cách khôn ngoan.

Máy móc và thiết bị được mang vào thường có thể được sản xuất trong nước, nhưng việc nhập khẩu ồ ạt hàng giá rẻ đã gây khó khăn cho một số ngành công nghiệp nội địa. Các dự án FDI sử dụng công nghệ Trung Quốc thường có chi phí cao gấp đôi hoặc ba lần so với các dự án tương tự nhưng sử dụng công nghệ Nhật Bản hoặc châu Âu. Sự chênh lệch này dẫn đến việc đánh giá sai lệch hiệu quả dự án.

Việt Nam cần tiếp tục cải thiện các quy định

Một vấn đề khác được South China Morning Post nêu lên đó là đội giá, tức là các doanh nghiệp nước ngoài thường thổi phồng giá trị các khoản đầu tư của họ, gây tác động tiêu cực cho Việt Nam : thất thu thuế, lợi nhuận giảm và cạnh tranh không lành mạnh. Hầu hết các trường hợp đó đã không được đưa ra tòa, do khung pháp lý của Việt Nam còn yếu kém và các công ty nước ngoài che giấu hành vi của họ một cách rất tinh vi của. Nhiều đối tác trong nước cũng bị buộc phải vay nợ để trả lãi cho các dự án bị trì hoãn.

Theo South China Morning Post, để tránh những cạm bẫy nói trên, Việt Nam phải tiếp tục cải thiện các quy định, luật lệ và thủ tục. Việt Nam cần xây dựng luật chống chuyển giá và thu hẹp khoảng cách về ưu đãi thuế giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước, để tạo một sân chơi bình đẳng. Cơ quan thuế của địa phương nên được trao quyền để giám sát tốt hơn các công ty nước ngoài và kiểm tra việc tuân thủ luật pháp của họ. Một cơ sở dữ liệu về thuế nên được thiết lập để theo dõi mọi thay đổi trong thu nhập và doanh thu của doanh nghiệp nước ngoài.

Đối với những doanh nghiệp không tuân thủ luật, cần phải đưa ra các biện pháp trừng phạt thích hợp, chẳng hạn như giảm thời gian áp dụng mức giá ưu đãi hoặc thậm chí tăng thuế. Việt Nam sẽ cần phải tìm cách thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, các công ty thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, cũng như các thiết bị y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tiên tiến. Dòng vốn FDI của Trung Quốc hiện nay phần lớn tập trung vào các ngành có rủi ro cao như nhiệt điện, thép, hóa chất và xi măng. Cần phải sàng lọc những dự án vì chúng đòi hỏi đầu tư lớn, nhiều năng lượng và có nguy cơ gây ô nhiễm cho đất nước.

Truyền thông Việt Nam trong vòng kềm tỏa

Về nhân quyền, trang web của đài truyền hình Qatar Al Jazeera ngày 20/05 quan tâm đến cách thức mà chính quyền Việt Nam kiểm soát báo chí trong nước, qua bài viết mang tựa đề « Sợ hãi và hoang tưởng: Việt Nam kiểm soát truyền thông ra sao ? » Theo đài này, mức độ trấn áp quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam đã tăng mạnh, và trong bản xếp hạng về tự do báo chí 2019 của tổ chức Phóng viên không biên giới, Việt Nam bị xếp hạng rất thấp, 176 trên 180 quốc gia, tụt thêm một hạng so với năm 2018.

Theo Phóng viên không biên giới, « mức độ khủng bố đã tăng mạnh trong hai năm qua, với việc nhiều nhà báo công dân bị cầm tù hoặc bị trục xuất do những bài viết của họ trên mạng ». Ít nhất 30 nhà báo và blogger đang bị giam trong các nhà tù Việt Nam, nơi mà tình trạng ngược đãi tù nhân rất phổ biến.

Những phóng viên mà đài Al Jazeera đã tiếp xúc cho biết là các nhà báo trong nước vẫn được chỉ đạo về cách đưa tin, còn đại diện báo chí nước ngoài khi đi săn tin ngoài thủ đô Hà Nội đều cần được cấp giấy phép đi lại và được yêu cầu báo trước chủ đề, cũng như cho biết sẽ gặp những ai và hỏi những câu hỏi nào.

Đài Al Jazeera trích lời phóng viên Nguyễn Phương Linh, người đi khỏi Việt Nam vào năm 2014 sau khi làm báo được sáu năm : « Tôi đã từng đi lên vùng biên giới Việt – Trung với tư cách một du khách và đến thăm một khu chợ đen. Tôi rất muốn viết một bài báo về chuyến đi đó nhưng tôi sợ có thể gặp rắc rối vì không phải là một phóng viên được bộ cấp phép. Cho nên tôi đã không cho đăng bài báo đó.”

Chính quyền cũng bị cáo buộc thường sử dụng các chiến thuật hù dọa phóng viên, và sự giám sát quá chặt chẽ khiến nhiều nhà báo phải tự kiểm duyệt, đồng thời tạo ra « sự sợ hãi và hoang tưởng ».

Đài Al Jazeera nhắc lại là vào mỗi thứ Ba hàng tuần, các quan chức của bộ Thông Tin có cuộc họp giao ban với các tổng biên tập để thảo luận về những chủ đề tin tức sắp tới và những hạn chế hiện hành. Các chỉ thị sau đó được truyền đạt lại xuống dưới. Đài này trích lời giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales, Úc, nói: “Những ai vi phạm đều bị cảnh cáo, bị phạt và nếu tái phạm sẽ bị đình chỉ công tác hoặc thậm chí bị bỏ tù“.

Al Jazeera cũng nhắc lại vụ trang Tuổi Trẻ Online đã bị đình bản trong ba tháng vào tháng 7/2018, vị bị xem là « đã thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng ». Một nhà báo Tuổi Trẻ nói với Al Jazeera rằng lệnh đình bản này ảnh hưởng rất nhiều đến các phóng viên nói chung, vì nó không chỉ nhắm vào những điều mà tờ Tuổi Trẻ viết, mà còn nhắc nhở các tờ báo khác phải cẩn thận với những gì họ nói.

Chống tham nhũng : Những lý do thật sự

Tờ Asia Times ngày 14/05 thì quan tâm đến tình hình chính trị nội bộ qua bài viết tựa đề « Real reasons for Vietnam’s crackdown on graft » ( Những lý thực sự của việc trấn áp tham nhũng ở Việt Nam ). Mở đầu bài báo, Asia Times nhắc lại một tuyên bố của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2016 : « đánh chuột đừng để vỡ bình ».

Theo Asia Times, điều ông Trọng muốn nói là chiến dịch chống tham nhũng do ông tiến hành, sẽ ngăn chặn mọi hành động gây thiệt hại cho bản thân đảng Cộng Sản. Kể từ khi cuộc thanh trừng chống tham nhũng của ông bắt đầu vào năm 2016, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước (DNNN), và một số quan chức chính phủ và chính trị gia có thế lực đã bị hạ gục.

Trong số các lãnh đạo DNNN nói trên có ông Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch Ocean Bank, ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước, là tâm điểm của một cuộc điều tra tham nhũng lớn, và trước đây là một trong những đại gia giàu có nhất Việt Nam, đã bị kết án tù chung thân năm ngoái. Phía các chính khách thì có ông Đinh La Thăng, bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, là ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị cách chức trong hàng chục năm qua, vì vai trò trước đây là chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, một DNNN lớn.

Theo Asia Times, một số lý do chống tham nhũng của ông Trọng đã được biết đến và không cần giải thích gì nhiều. Lý do đầu tiên, đặc biệt là giữa năm 2016 và 2017, là nhằm thanh trừng các lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia thuộc phe Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng năm 2016 đã thua ông Trọng trong việc giành vị trí lãnh đạo Đảng. Đây là hành động có thể dự đoán được : ông Dũng vươn lên từ hàng ngũ Đảng, và sau đó củng cố quyền lực khi trở thành thủ tướng, thông qua mối liên hệ với các lãnh đạo DNNN tham nhũng và các quan chức địa phương, được gọi là nhóm lợi ích, vào Đảng chỉ để làm giàu, chứ không phải vì ý thức hệ.

Lý do kinh tế lấn át chính trị

Tuy nhiên, Asia Times nhận xét, có thể nói chiến dịch chống tham nhũng ngày nay đã được lái sang một hướng khác. Lý do thanh trừng giờ đây là kinh tế, mà không phải chính trị. Luật chống tham nhũng của Việt Nam được sửa đổi năm ngoái lần đầu tiên đã mở rộng chiến dịch chống tham nhũng sang khu vực tư nhân.

Nhưng vấn đề mà đảng Cộng Sản phải đối mặt đó là rất nhiều DNNN nếu duy trì thì rất tốn kém, hầu như không tạo ra lợi nhuận, và được quản lý rất yếu kém. Đây là vấn đề quan trọng vì ngân sách Nhà nước đang gặp khó khăn. Chính phủ đã hạ được mức nợ công và thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây. Nhưng các biện pháp thắt lưng buộc bụng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng của Nhà nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trong khi đây là yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng của DNNN và mức lương của công nhân Nhà nước, hiện đang tụt hậu so với khu vực tư nhân.

Theo Asia Times, đảng Cộng Sản thực sự có ba phương án, trong đó phương án thứ ba hợp lý nhất, nếu nhìn từ quan điểm của đảng Cộng Sản, đó là thoái vốn các DNNN làm ăn thua lỗ nhiều nhất có thể được và chỉ giữ lại những doanh nghiệp có lợi. Nhưng vấn đề là việc thoái vốn khỏi các DNNN đã bị đình trệ trong những năm gần đây, chủ yếu là do các nhà đầu tư tư nhân sau khi xem xét các doanh nghiệp đã nhận thấy là có quá nhiều rủi ro. Vì vậy, sẽ hợp lý khi cho rằng chỉ những DNNN có lợi nhuận cao nhất, mà Nhà nước muốn bám vào, mới thu hút được các nhà đầu tư tư nhân nhiều nhất.

Asia Times kết luận bài báo : Điều có ý nghĩa (và là điều Hà Nội dường như đang làm) đó là tách các công ty có lợi nhuận cao và tốt nhất khỏi các công ty yếu kém và tham nhũng, đồng thời ngăn chặn các công ty này bòn rút ngân sách đã hạn hẹp của Nhà nước.

Nguồn: RFI

Bài Liên Quan