Việt Võ Ðạo Nguyễn Bá Học mừng 20 năm thành lập và tưởng niệm sáng tổ

LÂM HOÀI THẠCH / Người Việt –

Việt Võ Ðạo Nguyễn Bá Học mừng 20 năm thành lập và tưởng niệm sáng tổ

.

Các môn sinh Vovinam biểu diễn võ thuật. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

WESTMINSTER, California – Trung Tâm Huấn Luyện Vovinam-Việt Võ Ðạo Nguyễn Bá Học vừa tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập và Lễ Tưởng Niệm Sáng Tổ môn phái lần thứ 59, do võ sư Phạm Văn Thành, giám đốc trung tâm, tổ chức vào trưa Chủ Nhật, 23 Tháng Sáu, tại Westminster.

Võ sư Cao Minh Hưng, trưởng nhóm Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, thành viên trong ban tổ chức nói với nhật báo Người Việt: “Hằng năm, vào khoảng Tháng Sáu được gọi là trong mùa giỗ tổ, trong thời gian này, toàn thể môn phái Vovinam trên khắp thế giới một lòng hướng tâm về Ngày Giỗ Tổ của sáng tổ Nguyễn Lộc để tưởng niệm, dâng nén hương và ghi nhớ công lao người đã sáng tạo ra môn phái Vovinam. Ngày nay, Vovinam không phải là của một môn phái hay của một gia đình nữa mà nó thuộc một môn phái của dân tộc Việt Nam. Trên 30 quốc gia trên thế giới có võ đường Vovinam.”

Võ sư Phạm Văn Thành lên trước bàn thờ có chân dung sáng tổ Nguyễn Lộc cùng chân dung của hai võ sư Lê Sáng và Trần Huy Phong để dâng hương tưởng niệm. Sau đó, các võ sư, quan khách, các phụ huynh và võ sinh lần lượt lên dâng hương.

Các võ sư cùng các môn sinh trong nghi thức khai mạc. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong diễn văn khai mạc, võ sư Phạm Văn Thành nói: “Thật là một vinh dự cho môn phái Vovinam nói chung và Trung Tâm Huấn Luyện Nguyễn Bá Học nói riêng, cũng là một khích lệ lớn lao cho anh em của chúng tôi trên đường bảo tồn, phát huy nền võ học dân tộc để xây dựng phong trào trẻ cho những thanh thiếu niên nhằm phục vụ truyền thống của dân tộc và nhân loại.”

Trong phần đọc tiểu sử của vị sáng tổ, võ sư Nguyễn Chảnh Vượng cho biết: “Lần đầu tiên Vovinam ra mắt quần chúng vào năm 1938. Ngay sau đó, phong trào Vovinam sôi động và phát triển trên toàn quốc. Qua hai cuộc chiến tranh và những thăng trầm lịch sử, môn phái Vovinam đã đào tạo và cống hiến cho đất nước hàng triệu môn đồ ưu tú. Vovinam đã hợp tác với Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH trong chương trình học đường; Vovinam đã được vào huấn luyện trong các binh chủng của Quân Lực VNCH, Cảnh Sát Quốc Gia và Xây Dựng Nông Thôn.”

Có rất nhiều võ sư của môn phái Vovinam về tham dự, trong đó có võ sư Trần Thế Phượng nói: “Môn phái Vovinam được phát triển tại hải ngoại là cũng nhờ các võ sư đã truyền bá bằng cách là mở võ đường trên 30 quốc gia trên thế giới. Điều này, cho hàng võ sư của chúng tôi rất hãnh diện, vì Việt Võ Đạo đã được vang danh trên thế giới.”

Võ sư Kiều Công Lang, cựu huấn luyện viên Vovinam khóa 1 cho các quân nhân Quân Lực VNCH, cho biết: “Vovinam được phát triển mạnh nhất là tại Châu Âu, và các quốc gia khác cũng trên đà phát triển, trong đó có Mỹ, Canada, Ý, các quốc gia ở Châu Phi… Bởi vì, ngoài dân tộc Việt Nam còn nhiều sắc dân khác trên thế giới đã thấy được tiềm năng về những đòn thế của Vovinam thực tế. Hiện nay tại Việt Nam, môn phái Vovinam cũng đã và đang phát triển rất mạnh từ xưa cho đến bây giờ. Tại hải ngoại, Tổng Liên Đoàn Vovinam-Việt Võ Đạo Trên Thế Giới được đặt tại Paris, Pháp.”

Võ sư Tôn Thất Lăng, cựu Trung Tá Không Quân Quân Lực VNCH, cựu huấn luyện viên Vovinam tại Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang, cựu Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Vovinam Quân Chủng Không Quân VNCH, tâm sự: “Tôi tốt nghiệp võ sư Vovinam tại Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang 1968 với đẳng cấp Hoàng Đai. Tôi rất hãnh diện cho dân tộc Việt Nam đã có môn võ mà lúc nào cũng được ứng dụng bất cứ nơi nào. Ngày xưa chúng tôi đã từng tập võ trên sỏi đá, trên nền xi măng ở sân cờ tại quân trường không cần phải có nệm. Ra hải ngoại, tôi vẫn tiếp tục huấn luyện Vovinam. Mặc dù năm nay tôi đã 83 tuổi, nhưng lúc nào tôi cũng phục vụ lý tưởng của Vovinam và luôn sinh hoạt với các đồng môn võ sư tại hải ngoại.”

Bà Hoàng Linh và con trai Jaden Trang. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Còn võ sư Nguyễn Viết Hùng từ võ đường Vovinam Pomona đến cho biết: “Điều làm cho tôi hãnh diện là hiện nay, tại hải ngoại đã có rất nhiều võ sư Vovinam còn rất trẻ, họ đã tiếp nối sự nghiệp của những người đi trước là đã mang những truyền thống, tinh hoa của dân tộc để truyền bá và phát triển trên xứ người.”

Võ sư Trần Văn Bình, trung tâm trưởng Trung Tâm Vovinam Pomona, kể: “Tôi tập Vovinam từ năm 1962 với thầy Trần Huy Phong, khi tập võ chỉ mặc quần đùi với áo thun, vì chưa có võ phục. Cho đến 1964 thì Vovinam mới có võ phục chính thức. Vovinam tạo cho con người tự tin trước mọi áp lực và tinh thần yêu nước.”

Theo ban tổ chức, Vovinam-Việt Võ Đạo trong tinh thần võ sĩ đạo, huấn luyện cho các môn sinh về ba phương diện: Thứ nhất là võ lực, luyện cho các môn đồ một thân hình rắn chắc, sức lực mạnh mẽ, dẻo dai, một thân thể tráng kiện và lành mạnh. Thứ hai là võ thuật, huấn luyện cho các môn sinh những kỹ thuật tinh vi để tự vệ hữu hiệu và đầy tự tin. Thứ ba là võ đạo, rèn luyện cho các môn sinh tinh thần cao thượng, ý chí quật cường, kỷ luật tự giác, nếp sống hợp quần, đức độ khoan dung và từ ái.

Bà Tống Xuân Hạ và ba con gái, một cháu gái. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Vì thế, những phụ huynh cũng hãnh diện vì họ đã có những con em là những môn sinh của Vovinam.

Bà Hoàng Linh, cư dân Canada Hill, cho biết: “Tôi có đứa con trai tên Janden Trang, 11 tuổi, theo học võ Vovinam được hơn ba năm. Hiện nay, đẳng cấp của cháu là đai xanh ba gạch. Lúc đầu, cháu học với thầy Lê Huy tại Trung Tâm Lạc Hồng, Los Angeles. Sau đó, cháu thấy môn võ này giúp cho cháu về thể lực cũng như hiểu biết thêm nhiều truyền thống của Việt Nam. Vì cháu muốn biết thêm nhiều bạn Việt Nam ở Little Saigon, nên cháu mới xin xuống tiếp tục học thêm Việt Võ Đạo tại Trung Tâm Huấn Luyện Nguyễn Bá Học của thầy Phạm Văn Thành, và cháu vẫn còn tiếp tục học với thầy Lê Huy.”

Môn sinh David Phạm (thứ hai, phải) cùng mẹ và hai người em trai. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bà Tống Xuân Hạ, cư dân Corona, tâm tình: “Tôi có ba đứa con gái và một đứa cháu gái trong lứa tuổi 17, 13, 12 và 11 đang học võ Vovinam với thầy Phạm Văn Thành được hơn một năm. Lý do tôi cho con cháu của tôi học võ vì chúng là con gái phải có chút võ nghệ để phòng thân và sức khỏe cũng được tốt. Sau này, khi chúng nó lớn lên thì mình cũng an tâm phần nào về sự hiếp đáp của nam giới. Lúc trước, con của chúng tôi cũng đã học võ Taekwondo. Nhưng sau đó, vì muốn con của mình nhớ về cội nguồn, nên mới cho chúng nó chuyển sang học Việt Võ Đạo, vì môn võ này vừa nhu vừa có cương và cũng là môn phải võ của người Việt Nam.”

Môn sinh David Phạm kể: “Cháu năm nay 22 tuổi, học võ Vovinam được 13 năm, bắt đầu học từ lớp 4 đến nay và đã tốt nghiệp đại học. Cháu có hai người em trai cũng đang là môn sinh của trung tâm này. Hôm nay, cháu được lên đẳng cấp Hồng Đai để trở thành võ sư của Vovinam.” (Lâm Hoài Thạch)

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan