Bắc Kinh có can thiệp vào Hồng Kông và bằng cách nào?

Bắc Kinh có can thiệp vào Hồng Kông và bằng cách nào?

.

Quân đội Trung Quốc biểu dương sức mạnh ở Hồng Kông trong dịp lễ kỷ niệm ngày Anh Quốc trao trả lãnh thổ này về cho Trung Quốc. (Hình: Getty Images)

HỒNG KÔNG – Trung Quốc đã kịch liệt lên án những cuộc biểu tình ở Hồng Kông, khiến thế giới lo ngại Bắc Kinh sẽ mất kiên nhẫn và trực tiếp can thiệp vào đặc khu này.

Theo đài BBC, hôm Thứ Tư, 14 Tháng Tám, Trung Quốc gọi những cuộc biểu tình ở Hồng Kông là “gần như khủng bố.”

Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần giới chức Trung Quốc công khai dùng từ “khủng bố” gán cho những cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Theo một số nhà quan sát, việc liên tục dùng từ ngữ như vậy cho thấy Bắc Kinh đang mất kiên nhẫn với người biểu tình, từ đó, có thể tăng khả năng họ sẽ can thiệp quân sự.

Hoa Kỳ đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc với tin Trung Quốc điều động lực lượng bán quân sự dọc biên giới với Hồng Kông,” đồng thời, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng nền tự trị của đặc khu này.

Cũng vào Thứ Tư, 14 Tháng Tám, công ty chuyên chụp hình vệ tinh Maxar Technologies công bố tấm hình cho thấy dường như xe của lực lượng an ninh hay quân đội Trung Quốc bí mật tập trung bên trong một sân vận động ở Thẩm Quyến, thành phố giáp với Hồng Kông. Công ty này cho biết tấm hình được chụp hôm Thứ Hai, 12 Tháng Tám.

Trước đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đưa tin Cảnh Sát Vũ Trang Nhân Dân của nước này đã tập hợp ở Thẩm Quyến.

Đưa quân đội vào Hồng Kông?

Đạo Luật Cơ Bản, được xem như Hiến Pháp của Hồng Kông kể từ khi Anh trao trả lãnh thổ này cho Trung Quốc năm 1997, đã quy định rất rõ ràng.

Trừ khi Trung Quốc tuyên bố tình trạng khẩn trương toàn diện hoặc chiến tranh ở Hồng Kông, Trung Quốc chỉ có quyền can thiệp quân sự theo yêu cầu của chính quyền Hồng Kông, và để “duy trì an ninh trật tự và cứu trợ thiên tai.”

Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, vào lúc này, vẫn không có khả năng Trung Quốc sẽ đưa quân vào Hồng Kông.

“Đưa quân vào sẽ làm thay đổi sâu sắc môi trường chính trị và kinh tế. Hậu quả sẽ rất sâu rộng,” Giáo Sư Ivan Choy của Đại Học Trung Quốc ở Hồng Kông nhận định.

Giáo Sư Choy nói thêm rằng hành động đó sẽ làm tan vỡ niềm tin vào mô hình “một quốc gia, hai chế độ” được áp dụng ở Hồng Kông kể từ khi về với Trung Quốc.

Kể từ khi nhận lại lãnh thổ này, Trung Quốc luôn có khoảng 5,000 quân đóng ở đây. Ngày 31 Tháng Bảy vừa qua, đội quân này công bố đoạn video cho thấy binh lính hét lớn bằng tiếng Quảng Đông rằng “Quý vị phải chịu trách nhiệm mọi hậu quả.” Binh lính tấn công người biểu tình, và cảnh sát giương biểu ngữ ghi “Không được tiến tới, nếu không chúng tôi sẽ dùng vũ lực.” Đây là lời cảnh cáo mà cảnh sát Hồng Kông thường sử dụng trong lúc đối mặt với người biểu tình.

Giáo Sư Choy cho rằng Bắc Kinh vẫn luôn cố gắng “liên tục nhắc nhở người dân Hồng Kông rằng có khả năng họ dùng vũ lực quân sự.”

Đến lúc này, “Văn Phòng Các Vấn Đề Hồng Kông và Macau” của chính quyền Trung Quốc vẫn cho biết họ hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của cảnh sát Hồng Kông. Tuy nhiên, họ cũng cảnh cáo rằng “người nào đùa với lửa thì sẽ chết vì lửa,” và người biểu tình không nên “hiểu lầm kiềm chế là yếu đuối.”

Người biểu tình với biểu ngữ tố cáo bà Carrie Lam, đặc khu trưởng Hồng Kông, là người của Bắc Kinh. (Hình: Getty Images)

Can thiệp bằng con đường chính trị?

Thể chế chính trị của Hồng Kông là không hoàn toàn dân chủ. Đây là lý do khiến người biểu tình rất bất bình và kêu gọi phải cải tổ.

Trung Quốc thời gian qua cũng có nhiều lần can thiệp chính trị vào Hồng Kông. Đây là nguyên nhân chính của những cuộc biểu tình gần đây.

Hội Đồng Lập Pháp, tức Quốc Hội Hồng Kông, hiện đang ngả về phía Bắc Kinh và chỉ có dân chủ một phần. Chỉ khoảng phân nửa số ghế là do cử tri bầu trực tiếp.

Trong khi đó, đặc khu trưởng là do một ủy ban bầu cử phần lớn là thân Bắc Kinh bầu chọn, mà ủy ban này chỉ được 6% số cử tri bầu ra. Do đó, các nhà phê bình cho rằng lãnh đạo Hồng Kông chỉ biết vâng lời Bắc Kinh chứ không làm theo nguyện vọng của cử tri.

Bà Carrie Lam, đặc khu trưởng hiện nay, được bầu năm 2017. Chính bà là người đưa ra dự luật dẫn độ gây ra những cuộc biểu tình rầm rộ.

Theo Giáo Sư Dixon Ming Sing của Đại Học Khoa Học Công Nghệ Hồng Kông, thời gian qua, Bắc Kinh “đã làm rất nhiều việc để biểu dương quyền lực, chẳng hạn như cương quyết không để bà Carrie Lam từ chức và không để bà chính thức rút lại dự luật.”

“Nếu Bắc Kinh muốn bà ấy từ chức thì có được hay không? Chắc chắn là được,” Giáo Sư Sing nhận xét. “Nhưng tôi nghĩ Bắc Kinh không muốn làm như vậy vì họ muốn chứng tỏ họ không bị công luận điều khiển.”

Tất nhiên, ngay cả nếu bà Lam rời khỏi chức vụ, thì người thay thế bà cũng phải là người được Bắc Kinh ủng hộ.

Thêm vào đó, những động thái chính trị ở Hồng Kông những năm gần đây cho thấy rõ rằng chính quyền Hồng Kông muốn chặn đứng tinh thần chống Trung Quốc. Trong số những hàng động này có việc loại bỏ những đại biểu Quốc Hội nào không tuyên thệ phù hợp, và đưa ra luật cấm bất kính với quốc ca Trung Quốc.

Nhắm vào cá nhân các nhà hoạt động dân chủ?

Làn sóng biểu tình bắt nguồn từ việc phản đối dự luật dẫn độ mà các nhà phê bình lo ngại là sẽ bị Trung Quốc lợi dụng để đưa những nhà hoạt động dân chủ sang đại lục. Một khi sang Trung Quốc, hầu như chắc chắn họ sẽ bị kết án.

Bà Carrie Lam tuyên bố “dự luật đã chết.” Nhưng cho dù không có dự luật này, những năm qua đã có nhiều tin tức về việc Trung Quốc phớt lờ luật lệ để bắt giữ công dân Hồng Kông, khiến người dân lo lắng.

Gui Minhai, chủ hiệu sách ở Hồng Kông chuyên bán sách phê bình chính phủ Trung Quốc, là một trong những vụ nổi cộm nhất. Năm 2015, ông bị mất tích ở Thái Lan, sau đó, bất ngờ xuất hiện ở Trung Quốc, nơi ông bị bắt giữ vì một vụ đụng xe chết người năm 2003.

Tòa án Trung Quốc kết án ông hai năm tù. Ông được thả ra năm 2017, nhưng có tin đã bị bắt lại năm 2018 trong lúc đang đi xe lửa ở Trung Quốc. Từ đó đến nay, không ai nhìn thấy ông Gui.

Và thậm chí nếu các nhà hoạt động không sợ bị bắt, thì một số người có thể sợ người thân ở đại lục bị trả thù.

Tuy nhiên, mặc dù nhiều người lo ngại Trung Quốc sẽ can thiệp quân sự vào Hồng Kông, nhưng công cụ làm giảm bất ổn hiệu quả nhất của Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ rất tinh tế nhưng rất mạnh: đó là đòn kinh tế.

Hồng Kông là một trung tâm tài chính toàn cầu. Lãnh thổ này vẫn giữ được vị thế đó kể từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc một phần là nhờ quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông theo thỏa thuận trao trả.

Nhưng từ năm 1997 đến nay, những thành phố ở đại lục như Thẩm Quyến và Thượng Hải đã nhanh chóng bắt kịp Hồng Kông.

Nếu Hồng Kông tiếp tục thách thức Trung Quốc, thì chính quyền Bắc Kinh có thể thu hồi đầu tư và thương mại ở Hồng Kông rồi chuyển về đại lục, siết chặt nền kinh tế Hồng Kông, khiến lãnh thổ này phải lệ thuộc vào ý muốn của Bắc Kinh nhiều hơn nữa.

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan