Thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam: Một Phú Quốc “bình cũ rượu mới”?

RFA –

Thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam: Một Phú Quốc “bình cũ rượu mới”?

.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, hồi tháng 7 năm 2019 yêu cầu không được “bê tông hóa” Phú Quốc. Courtesy: Facebook Tùng Thiện

Báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị

Truyền thông trong nước, vào ngày 21 tháng 8 dẫn thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên quan đến đề nghị của tỉnh Kiên Giang đối với việc thành lập thành phố Phú Quốc và huyện đảo Thổ Châu.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam yêu cầu Bộ Nội vụ hướng dẫn Kiên Giang làm báo cáo để xin ý kiến của Bộ Chính trị trong Quý III năm 2019.

Đảo Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất Việt Nam có diện tích xấp xỉ 600 km2, nằm ở Vịnh Thái Lan là đơn vị hành chính cấp huyện loại 1, trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Sau một thập niên phát triển theo Quyết định số 633 quy hoạch xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành hồi tháng 5 năm 2010, Chính quyền tỉnh Kiên Giang đề nghị Trung ương cho tạm dừng quy hoạch huyện đảo Phú Quốc theo hướng trở thành đặc khu kinh tế (gọi tắt là “đặc khu”), với lý do Quốc hội chưa thông qua Luật đặc khu, cũng như địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và hội đồng thẩm định…

Đề nghị tạm dừng phát triển Phú Quốc theo hướng đặc khu vừa được Bộ Xây dựng thông báo tán thành hồi trung tuần tháng 8 và nếu đề xuất thành lập thành phố Phú Quốc được thông qua, tỉnh Kiên Giang tin rằng Phú Quốc sẽ trở thành thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam tạo được sức hấp dẫn thu hút đầu tư và du lịch, tạo đà phát triển kinh tế cho địa phương.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, thành viên Ủy ban Phát triển của Liên Hiệp Quốc vào tối ngày 21 tháng 8 lên tiếng với RFA liên quan đề xuất mới cho Phú Quốc của Kiên Giang:

“Tôi thấy là Phú Quốc có tiềm năng rất lớn và có một vị thế rất đẹp. Vấn đề bây giờ là phải tạo điều kiện để cho Phú Quốc phát triển. Tôi nghĩ với những hướng dẫn và theo những quy hoạch đã có hiên nay thì có đủ điều kiện để phát triển được rồi. Và bây giờ với việc cho thêm quyền chủ động của chính quyền địa phương thì tôi rất hy vọng Phú Quốc sẽ thu hút được đầu tư và trở thành một hòn đảo ngọc, trở thành một thành phố đảo để thu hút du lịch và phát triển một cách rất là mạnh mẽ. Đấy là điều tôi mong muốn cho Phú Quốc và cũng là mong muốn cho đất nước.”

Ngay sau khi truyền thông quốc nội loan tin đề nghị tạm dừng quy hoạch Phú Quốc theo hướng đặc khu được Trung ương tán thành, Tiến sĩ Kinh tế Phạm Chí Dũng cho RFA biết tỉnh Kiên Giang sẽ theo bước của tỉnh Quảng Ninh là sẽ chuyển sang phát triển huyện đảo Phú Quốc theo “cơ chế đặc thù”. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng giải thích:

“‘Cơ chế đặc thù’ ở đây thực ra chỉ đơn thuần là vấn đề về vốn thôi, thì được xin nhiều hơn. Ví dụ như những tỉnh, thành loại 1 mà có ‘cơ chế đặc thù’ được cấp Trung ương cho phép thì sẽ được Trung ương cấp vốn nhiều hơn, được để lại ngân sách thu nhiều hơn mà không phải trích về cho Trung ương và được quyền sử dụng đồng vốn đó vào một số chương trình quan trọng của khu vực đó, của địa phương đó mà không cần phải quá phụ thuộc vào ý kiến của các bộ, ngành, chuyên ngành kinh tế-kỹ thuật. Đó chính là ‘cơ chế đặc thù’ mà một số nơi hiện nay như Quảng Ninh, Kiên Giang hay Khánh Hòa đang xin.”

Đài RFA ghi nhận không ít thắc mắc của dư luận rằng phải chăng đề xuất mới của tỉnh Kiên Giang với sự kết hợp giữa nguồn vốn theo cơ chế đặc thù” và sự chủ động, linh hoạt trong quản lý của chính quyền địa phương thì Phú Quốc sẽ có thể nhanh chóng ghi dấu trở thành thành phố biển đảo của Việt Nam?

Phú Quốc cần một quy hoạch mới

Đảo Phú Quốc phát triển, với giấc mơ “Singapore” thứ hai tại khu vực Đông Nam Á, sau một thập niên được truyền thông lẫn dư luận kêu gào Chính phủ Việt Nam từ địa phương đến Trung ương, cần quan tâm chấn chỉnh kẻo không thể nào còn cứu vãn được.

Mặc dù không thể phủ nhận những kết quả đầy khả quan mà “Đảo ngọc Phú Quốc” đạt được nhờ du lịch, đóng góp đến 65% tổng doanh thu. Tuy nhiên, qua hình ảnh mới nhất của hòn đảo giữa biển khơi-Phú Quốc bị ngập chìm trong nước sau 3 ngày mưa do ảnh hưởng bão hồi đầu tháng 8, đã khiến không ít người phẫn nộ vì cho rằng đó là “hậu quả nhãn tiền” của một sự phát triển hỗn loạn mà không biết quy trách nhiệm về cho ai. Ông Duyệt, một cư dân ở Phú Quốc chia sẻ ghi nhận của ông với Đài Á Châu Tự Do:

“Hiện nay tỉnh cũng không làm được gì cho huyện hết. Trong khi đó số lượng thu ngân từ thuế của huyện là rất lớn, nhưng đáp ứng lại cho các công trình phúc lợi thì không đạt theo sự phát triển của Phú Quốc, như đường xá, cầu cống nghẹt hết. Chỉ những công trình lớn thôi, còn những công trình nhỏ thì không làm như hệ thống thoát nước, trước mắt nhìn thấy hậu quả rồi đó.”

Là một người sinh trưởng ở Phú Quốc, hơn ai hết, ông Duyệt rất yêu quý nơi chôn nhau cắt rốn “Đảo ngọc” của mình. Ông Duyệt tâm tình rằng ông và rất nhiều bà con cư dân ở huyện đảo Phú Quốc luôn sống trong một tâm trạng buồn vui lẫn lộn khi hằng ngày tận mắt chứng kiến sự “thay da đổi thịt” với tốc độ thần tốc suốt một thập niên qua. Ông Duyệt bày tỏ:

“Nhìn thấy sự phát triển của Phú Quốc đi lên thì mình rất hãnh diện nhưng cũng có những nỗi buồn. Nói tóm lại là không quản lý chặt chẽ. Đời sống của người dân mà người bị lấy đất thì đi xuống, còn người bỏ tiền ra đầu cơ thì đi lên. Mạnh ai nấy phá, đốt rừng, chiếm đất cho nên từ chỗ đó cũng thấy buồn. Rồi tệ nạn xã hội ở Phú Quốc nhiều lắm, cũng buồn lắm…Do những người quản lý yếu kém.”

Những người dân sinh sống ở huyện đảo Phú Quốc mà Đài RFA tiếp xúc hầu hết đều lấy làm hân hoan trước thông tin Phú Quốc đang được Chính quyền tỉnh Kiên Giang và Trung ương đặc biệt quan tâm trong việc điều chỉnh quy hoạch cho thích hợp. Đặc biệt sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu không được “bê tông hóa” Phú Quốc, khi ông tham dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Kiên Giang, diễn ra vào ngày 29 tháng 7 ở thành phố Rạch Giá.

Thế nhưng, chúng tôi cũng ghi nhận không ít người cảm thấy bi quan cho viễn cảnh của Phú Quốc, như nhận định của một kỹ sư xây dựng gắn bó suốt chiều dài phát triển của đảo ngọc này cho rằng dù phát triển theo hướng đặc khu hay thành phố mà “Nếu theo cơ chế điều hành là quản lý theo kiểu không có giám sát, không có phản biện, cho dẫu thuê nước ngoài làm quy hoạch…mà theo hình thức quy hoạch, xây dựng, quản lý, kiểm soát cũng giống như những gì đang diễn ra hiện nay thì bình cũ rượu mới thôi.”

Nguồn: RFA

Bài Liên Quan