Nguyễn Hùng: Tôi thành triệu phú ở Seoul ra sao

Tôi thành triệu phú ở Seoul ra sao

Nguyễn Hùng

Có những quán tại chợ trung tâm Namdaemun ở Seoul có biển bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung Quốc vì họ có nhiều khách từ hai nước này tới mua hàng. (Hình: Hùng Nguyễn)

 
Đáng ra tôi phải thêm hình mặt cười sau tựa blog này. Trở thành triệu phú ở Seoul đâu có khó gì. Bạn cầm chưa tới 1000 đô la sang đổi là đã thành triệu phú tiền won của Hàn Quốc rồi. Trong khi chừng đó đô la chỉ đổi được khoảng 7000 nhân dân tệ Trung Quốc thôi.
Nhưng một triệu tiền won có thể mua được gì nào? Nếu bạn rủ bốn người bạn đi ăn thịt nướng barbecue, món trứ danh ở Seoul, bạn sẽ thọ được 10 bữa. Nếu bạn ăn cơm văn phòng tại các quán ở tầng hầm của toà nhà Seoul Square nơi có quán Phở Bay mà tôi từng thử thì sẽ được khoảng 100 bữa. Cũng có quán ăn trong đường hầm nối Seoul Square với Ga Seoul chỉ đòi 1000 won một bữa. Tôi nhìn qua có cảm giác nó như gói mì tôm hiệu Kimchi với vài miếng thịt.
Nhưng tôi nói mình thành triệu phú ở Seoul chủ yếu theo nghĩa “giàu vì bạn”. Sở dĩ tôi có chuyến đi tới Seoul để đào tạo các nhân viên BBC về truyền thông số là nhờ một người bạn trên Facebook. Tới Seoul tôi gặp lại một bạn người Indonesia từng làm BBC với tôi ở London vài năm về trước. Rồi một người bạn tôi mới quen vài tháng trước giới thiệu cho tôi một sinh viên Việt Nam đang làm luận án tiến sỹ ở thủ đô Hàn Quốc.

Ngay giữa trung tâm Seoul có lều biểu tình đòi xoá bỏ chế độ cộng sản. (Hình: Hùng Nguyễn)
Ngay giữa trung tâm Seoul có lều biểu tình đòi xoá bỏ chế độ cộng sản. (Hình: Hùng Nguyễn)

Thấy tôi đăng ảnh đang ở Seoul lên Facebook, một anh người Australia cùng làm báo với tôi hồi cuối những năm 90 ở Việt Nam lại giới thiệu một bạn Hàn Quốc mà anh biết và cũng là người đã có nhiều năm làm việc ở Hà Nội. Quả là trái đất tròn. Rồi lúc đang dạy trong văn phòng BBC ở Seoul tôi còn tình cờ gặp một bạn BBC làm ở Hong Kong mà tôi mới gặp ở London vài tuần trước. Và dĩ nhiên là còn cả những người bạn mới tại Ban tiếng Hàn nữa. Họ cho tôi biết thêm nhiều điều về Seoul ngoài những gì tôi tự tìm hiểu và cảm nhận.
Tới Seoul tôi có cảm giác thoải mái và quen thuộc như đang ở London. Không thấy cảnh những chiếc xe rách tả tơi chạy đón khách với những anh phụ xe miệng hét tên tuyến xe đi như ở Jakarta của Indonesia. Hệ thống xe buýt ở Seoul mới và chạy theo làn riêng. Mỗi lần đi mất chừng một đô la. Đi tàu điện ngầm đắt hơn một chút. Nhưng cũng như ở London, tôi không bao giờ thích là một con cá hộp bị chen tới ngộp thở dưới tàu điện ngầm. Vì là khách, tôi ở khách sạn cách chỗ làm 15 phút đi bộ. Khách sạn tôi ở đối diện chợ Namdaemun mà trang hướng dẫn du lịch của Hàn Quốc nói bán tới 17.000 mặt hàng khác nhau. Tôi đã từng mua bánh trái và trà nhân sâm tại một quán dán chữ “xin mời vào” ngoài cửa. Người bán hàng nói có rất nhiều người Việt và người Trung Quốc vào quán của bà.
Khách sạn tôi ở, Courtyard Marriott Namdaemun, cũng được nhiều người Việt chuộng. Tôi gặp vài nhóm người Việt Nam, chủ yếu là người già, trong các lần xuống ăn sáng. Chắc hẳn họ phải tương đối khá giả vì một bữa ăn sáng trong khách sạn tốn chừng 30 đô la. Tiền phòng kèm bữa sáng khoảng 210 đô la một đêm. Nói chung vật giá ở Seoul ngang ngửa London. Tiền mọi người kiếm được có lẽ cũng gần tương tự.
Những người bạn cũ và mới tôi gặp ở Seoul đã cho tôi những trải nghiệm và kiến thức vô cùng thú vị về Seoul. Xin chia sẻ với các quý vị bảy điều.
1.Tôi bất ngờ khi các bạn ban tiếng Hàn của BBC nói với tôi rằng có tới gần nửa dân số hơn 50 triệu người của Hàn Quốc sống ở Seoul và các vùng phụ cận. Ai cũng muốn đổ tới Seoul và vùng ngoại ô để có cơ hội học trường tốt và có công việc tốt. Điều này khiến giá cả nhà đất cũng như vật giá nói chung ở Seoul đắt đỏ hàng đầu thế giới. Thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua của Hàn Quốc được cho là ở mức hơn 40.000 đô la Mỹ một năm.

Chùa Jogyesa ở Seoul - số người theo đạo Phật nay đã ít hơn số người theo đạo Thiên Chúa ở Hàn Quốc. (Hình: Hùng Nguyễn)
.
Chùa Jogyesa ở Seoul – số người theo đạo Phật nay đã ít hơn số người theo đạo Thiên Chúa ở Hàn Quốc. (Hình: Hùng Nguyễn)

2. Cả bạn người Việt và người Hàn của tôi đều khiến tôi giật mình với những câu chuyện về chuyện làm đẹp với sự can thiệp của dao kéo ở Hàn Quốc, nước được cho là có ngành phẫu thuật thẩm mỹ số một châu Á nếu không muốn nói là nhất cả thế giới. Bạn Việt nói nhiều khi các bậc phụ huynh Hàn Quốc dùng phẫu thuật thẩm mỹ làm quà tặng cho con gái họ.
Bạn nói với tôi có ba thời điểm người con gái Hàn phải quyết định về chuyện “bổ mí, nâng mũi hay gọt cằm”. Thời điểm đầu là lúc tốt nghiệp trung học. Các bạn đại học đều mới và một cô gái có gương mặt mới cũng không ai để ý. Thời điểm tiếp theo là trước khi đi làm vì chỗ làm cũng mới, ai biết mình trước trông thế nào. Ngoài ra cũng cần có ảnh trông hấp dẫn để dán vào hồ sơ xin việc. Kế đến là trước khi lấy chồng. Cô bạn Hàn Quốc của tôi nói có những khu người ta vừa phẫu thuật thẩm mỹ vừa để nguyên các phụ kiện chống đỡ trên mặt để đi mua sắm. Thật là không đau lấy đâu ra đẹp.
3. Mấy ngày ở Hàn Quốc tôi gặp duy nhất một bác cụt hai chân ăn xin ở chợ Namdaemun gần chỗ tôi ở. Ở các đường hầm qua đường chỉ thấy hàng quán nhưng tịnh không thấy bóng ăn mày hay ăn xin nào. Các bạn tôi cũng nói Seoul rất an toàn, họ là thân gái nhưng tự tin đi lại ngoài đường bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu mà không có gì phải sợ. Vào quán cà phê hay quán ăn có thể để túi, để điện thoại trên bàn đi chỗ khác mà cũng không ai sờ đến. Mong sao các băng móc túi người Việt đừng chuyển địa điểm từ Nhật và Thái Lan sang thủ đô Hàn Quốc.
4. Số sinh viên Việt Nam học ở Đại học Quốc gia Seoul, vốn từng được coi là Harvard của Hàn Quốc khá đông, chừng 80 bạn ở các bậc khác nhau. Các bạn sinh viên làm đủ nghề trong đó có cả phiên dịch và dạy tiếng Việt. Bạn tôi kể có người vừa được hãng Samsung thuê dạy tiếng Việt ba tháng cho nhân viên của họ trước khi các nhân viên này được cử sang Việt Nam. Bạn nói chế độ học tập như doanh trại quân đội, các nhân viên không được rời khỏi nơi học tập trong suốt ba tháng, ngày học hai buổi, tối đôi khi vừa đánh bóng bàn với giáo viên vừa thực tập luôn tiếng Việt.
Samsung là một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất ở Hàn Quốc và họ cũng có một trong những trung tâm sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất ở Việt Nam. Dù vậy bạn tôi cũng nói có người chịu không nổi văn hoá thờ phụng công ty của Samsung và đã bỏ việc. Các công ty ở Hàn Quốc còn hay ngại thuê nhân viên nữ nếu biết họ đang ở độ tuổi chuẩn bị lấy chồng và có con. Phụ nữ cũng được trả lương thấp hơn vài chục phần trăm so với nam giới cho cùng một loại việc làm.
5. Ô nhiễm không khí ở Seoul khá trầm trọng. Trong ngày cuối cùng tôi ở Seoul, hai học viên của tôi đều giở ứng dụng điện thoại đo độ ô nhiễm và ứng dụng nào cũng đỏ chót kèm theo thông báo tốt nhất không nên ra ngoài đường, nếu ra phải đeo khẩu trang. Đây là lý do tôi thấy nhiều người đeo khẩu trang ngoài đường. Các trường học nhiều khi cũng gửi cảnh báo cho phụ huynh để họ biết đường chăm sóc con cái trong những ngày ô nhiễm nặng. Người Hàn bảo có tới một nửa bụi bẩn từ Trung Quốc bay sang còn Bắc Kinh bảo không phải.
6. Tôi biết Nhật Bản từng đô hộ Hàn Quốc nhưng không ngờ thời gian đô hộ trực tiếp kéo dài từ 1910 tới 1945. Hiện phong trào chống Nhật ở Hàn Quốc đang tăng và họ nâng cao thêm vai trò của anh hùng An Jung-geun, người đã ám sát toàn quyền Nhật Bản Ito Hirobumi ngay trước khi Hàn Quốc bị sáp nhập hoàn toàn vào Nhật Bản. Ngoài Nhật Bản, giống nhiều người Việt, người Hàn cũng nhìn sự phát triển của Trung Quốc với sự lo lắng vì họ nói cứ khi nào Trung Quốc mạnh là lại có chiến tranh. Còn đối với Bắc Triều Tiên, cô bạn Hàn của tôi nói về lý thuyết họ là chủ cả bán đảo Triều Tiên vì họ là người đáng ra đã chiến thắng trong thập niên 1950. Cô cũng nói người Bắc Triều Tiên rất bực mình khi người ta không gọi đúng tên nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tên mà họ thích dùng bên cạnh tên cũ của Triều Tiên là Choson. Nhân viên BBC tiếng Hàn nói với tôi Bình Nhưỡng từng là cái nôi của Thiên Chúa Giáo tại châu Á và số người theo Thiên Chúa Giáo ở Hàn Quốc giờ đã nhiều hơn số người theo Phật Giáo.
7. Người Hàn có nhiều phong tục và tập quán khá khác biệt với Việt Nam. Khi chào họ chắp hai tay phía trước và cúi người. Bạn Việt Nam ở Hàn Quốc đã tám năm nói với tôi người nhỏ tuổi đi ăn cùng người lớn hơn phải lấy giấy, thìa và đũa sắt bày lên bàn. Khi muốn uống rượu phải rót cho người khác trước và đợi người ta rót lại cho mình chứ không được tự rót. Phụ nữ trẻ tuổi uống rượu trước mặt nam giới phải quay mặt đi uống chứ không được mắt nhìn miệng uống. Bạn tôi đã từng đi ở chùa năm ngày, sáng sáng dậy lúc bốn giờ sáng khua chiêng, đánh trống, rung chuông, gõ cá để đánh thức muôn loài sống trên cạn, dưới nước, trên không và vạn vật nói chung. Chùa Hàn Quốc không cho phép thắp hương mà chỉ thắp nến. Họ cũng chỉ cúng hoa quả tươi, gạo và nước trắng chứ không dùng rượu và các đồ ăn mặn. Ai muốn cúng dường phải đi mua nước và gạo thay vì cúng tiền. Đương nhiên nhà chùa sau đó sẽ bán gạo và nước để lấy tiền.
Tới nước nào tôi cũng cố học lấy câu cảm ơn. Thật dễ cho tôi các âm “kham sa”, nghĩa là cảm ơn trong tiếng Hàn, gần với “cảm tạ” của tiếng Việt. Với người không quen biết người ta thêm kính ngữ đọc là “ham ni đa”, tương tự như “ạ” của Việt Nam. Kham sa ham ni đa quý vị đã bỏ thời gian đọc bài và nếu quý vị từng có những trải nghiệm thú vị ở các nơi, xin hãy bình luận để chia sẻ cùng mọi người.
Nguồn: Nguyễn Hùng’s Blog / VOA

Bài Liên Quan