Âm mưu, ý đồ nguy hiểm của TQ khi tăng cường các hoạt động do thám tình báo ở Biển Đông
Ngày đăng 04-12-2019
Cùng với hoạt động quân sự hoá, bồi đắp đảo nhân tạo, Trung Quốc những năm qua đã tích cực triển khai các phương tiện nhằm do thám tin tức tình báo và củng cố sự hiện diện của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Sử dụng các vật thể bay khinh khí cầu
Truyền thông Philippines đưa tin theo bức ảnh vệ tinh được công ty ảnh vệ tinh “ImageSat International” (ISI) của Israel chia sẻ trên Twitter cho thấy Trung Quốc đã sử dụng khinh khí cầu Trung Quốc tại bãi Vành Khăn. Theo bình luận của ImageSat trên Twitter, “việc sử dụng khinh khí cầu cho phép Trung Quốc thu thập những thông tin tình hình liên tục trên vùng biển giàu tài nguyên”. Cũng theo ImageSat, bức ảnh vệ tinh được thực hiện vào ngày 18/11 là bằng chứng đầu tiên về việc Trung Quốc sử dụng khinh khí cầu ở bãi Vành Khăn.
Thậm chí, hồi năm ngoái, Trung Quốc còn ngang nhiên cho triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không ra bãi Vành Khăn, bãi Chữ Thập và bãi Subi. Động thái của Trung Quốc được cho là nhằm giành ưu thế kiểm soát không phận trên Biển Đông. Theo tạp chí quân sự Kanwa Asian Defence, Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống cảnh báo sớm dùng khinh khí cầu kể từ năm 2017. Các khí cầu lớn gắn radar mảng pha có thể phát hiện máy bay bay hoạt động tầm thấp đang đến gần. Khinh khí cầu có thể duy trì độ cao ổn định trong thời gian dài đồng thời quan sát khu vực rộng lớn trong mọi điều kiện thời tiết vừa hiệu quả với chi phí thấp ở những nơi mà không thể triển khai máy bay do thám. Khi kết hợp với hệ thống radar dưới mặt đất, vệ tinh và máy bay cảnh báo sớm, khinh khí cầu có thể tạo thành một mạng lưới giám sát toàn diện.
Bãi Vành Khăn, bãi Chữ Thập và bãi Subi (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) là 3 khu vực Trung Quốc trái phép tiến hành cải tạo và xây dựng với quy mô lớn nhất ở Biển Đông. Hiện tại, Trung Quốc đang cho triển khai các khinh khí cầu tại một số vị trí chiến lược như biên giới giữa Trung Quốc với Triều Tiên và eo biển Đài Loan. Cũng theo Tạp chí “Kanwa Asian Defence”, các khinh khí cầu công suất lớn có thể giám sát những mục tiêu trên không và mục tiêu di động dưới mặt đất trong phạm vi bán kính 300 km.
Sử dụng hệ thống “Bắc Đẩu dưới nước” bằng phao định vị dưới đáy biển và vệ tinh
Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng một hệ thống định vị khu vực có độ chính xác cao, hay còn gọi là hệ thống “Bắc Đẩu dưới nước”, trong một chương trình thí điểm tại Biển Đông nhằm cung cấp thông tin về vị trí, định vị và liên lạc dành cho người dùng toàn cầu. Theo Phòng thí nghiệm âm thanh Thượng Hải thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, hệ thống định vị trên biển, còn được gọi là UGPS, sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật quan trọng cho mạng lưới dưới biển của Trung Quốc, đặc biệt cho các tàu lặn. Hệ thống UGPS sẽ hoạt động dựa trên hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc. Hệ thống “Bắc Đẩu dưới nước” do Trung Quốc tự phát triển và sử dụng dịch vụ định vị của nước này, thay vì dịch vụ định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Hệ thống “Bắc Đẩu dưới nước” sẽ phục vụ hai mục đích kép là hỗ trợ hạn chế của việc những tín hiệu định vị vô tuyến khó có thể xâm nhập vùng nước sâu, phục vụ hoạt động của tàu ngầm và thiết bị lặn không người lái; đồng thời sẽ thu thập tin tức tình báo trên Biển Đông.
Sư dụng căn cứ máy bay không người lái ngầm dưới đáy biển
Trung Quốc cũng được cho là đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ dưới đáy biển với các tàu ngầm không người lái nhằm phục vụ hoạt động khoa học và quân sự tại Biển Đông. Trung tâm này có thể trở thành căn cứ trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Khu vực đặt căn cứ dự kiến nằm trong vùng sâu nhất của đại dương, thường là vực thẳm hình chữ V, ở độ sâu 6.000 tới 11.000 mét. Dự án sẽ tốn 1,1 tỷ nhân dân tệ (160 triệu USD), bằng một nửa chi phí cho kính viễn vọng vô tuyến lớn nhất thế giới tại tỉnh Quý Châu. Các tàu ngầm robot sẽ được dùng để khảo sát đáy biển, ghi lại các hình thái của sự sống để thống kê và thu thập các mẫu khoáng sản. Trung tâm sẽ phân tích các mẫu này và gửi báo cáo ra bên ngoài.
Trong khi hoạt động của căn cứ phụ thuộc vào các đường dây kết nối với tàu hoặc trạm năng lượng và liên lạc, cảm biến và “đầu não” của nó vẫn cho phép tiến hành những nhiệm vụ liên quan đến chính trị. Giới học giả đều tỏ ý lo ngại về khả năng thời gian tới phương tiện không người lái sẽ xuất hiện ở khu vực Biển Đông cả trên không và dưới đáy biển. Trong khi đó, cho đến nay luật pháp quốc tế vẫn chưa có nhiều quy định cụ thể về vấn đề này. Đáng lo hơn, cách tiếp cận của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn khác với các quốc gia khác. Nhiều quốc gia khác chỉ thuần túy vì mục đích khoa học hay phát triển khu vực nhưng Trung Quốc mang nhiều tham vọng về lãnh thổ.
Biển Đông là một trong những khu vực xung đột nhiều nhất thế giới, nơi Trung Quốc đơn phương đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” để tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực, dù bị Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế phản đối gay gắt. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ căn cứ và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi việc làm của nước khác tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều là trái pháp luật và vô giá trị.