Tranh tô màu tôn vinh ‘anh hùng thầm lặng’ của họa sĩ Mỹ gốc Việt

Tranh tô màu tôn vinh ‘anh hùng thầm lặng’ của họa sĩ Mỹ gốc Việt

29/04/2020


Hai bức tranh tô màu tôn vinh "những anh hùng thầm lặng" trong đại dịch COVID-19 của Họa sĩ - DJ Dan Nguyen, do Hội đồng Nghệ thuật Long Beach phát hành vào tháng 4/2020.
Hai bức tranh tô màu tôn vinh “những anh hùng thầm lặng” trong đại dịch COVID-19 của Họa sĩ – DJ Dan Nguyen, do Hội đồng Nghệ thuật Long Beach phát hành vào tháng 4/2020.

Một nghệ sĩ Mỹ gốc Việt, Dan Nguyễn, đã đóng góp vào dự án của Hội đồng Nghệ thuật Long Beach, bang California, Hoa Kỳ, những tấm tranh tô màu chân dung của những “anh hùng thầm lặng”, những người đang vất vả làm việc trong đại dịch COVID-19 để giúp cho cư dân được ở nhà khỏe mạnh và an toàn.

Hai chân dung được Dan Nguyễn chọn vẽ là những người làm dịch vụ y tế khẩn cấp (EMS) và các nhân viên siêu thị.

“Lúc vẽ, Dan nghĩ đến những người không bị (nhiễm virus corona) mà họ bắt buộc phải đi làm. Dan nghĩ mỗi sáng dậy đi làm, chắc họ cũng sợ lắm. Nhưng nếu không đi làm thì không có lương để chăm sóc cho gia đình. Họ cũng hơi bị stuck (bị kẹt, khó khăn). Dan nghĩ đến những người đó và cả những người đang bị (nhiễm bệnh) rồi và đang struggle (chống chọi lại bệnh tật)”, Dan Nguyễn nói với VOA.

Hai bức tranh tô màu của Dan Nguyễn đã được Hội đồng Nghệ thuật Long Beach phát hành trong tháng này cùng với các tác phẩm của những nghệ sĩ địa phương khác nhằm tôn vinh những người đang làm việc ở tuyến đầu trong đại dịch do virus corona gây ra.

Chọn nét vẽ và phong cách trẻ trung, năng động, hợp thời cho hai bức tranh, Dan Nguyễn muốn gửi đi thông điệp rằng đại dịch ảnh hưởng đến tất cả mọi người, bất kể già trẻ hay giàu nghèo. Anh mong muốn những người trẻ khi nhìn vào tranh sẽ có “cảm giác gần gũi”, chứ không chỉ là chân dung một nhân vật xa lạ.

Họa sĩ - DJ Dan Nguyễn.
Họa sĩ – DJ Dan Nguyễn.

Như bao thanh niên được sinh ra và lớn lên ở Mỹ, Dan Nguyễn đã trải qua những “cú sốc văn hóa” nhất định trong thời niên thiếu, khi gia đình chọn cách giáo dục anh theo truyền thống Việt Nam.

Dan kể: “Ba mẹ cũng nói tiếng Anh nhưng ba mẹ nói rằng ở trong nhà thì phải nói tiếng Việt để không mất gốc, nên dạy Vietnamese way (theo cách người Việt Nam). Lúc Dan bước ra ngoài cửa thì everything change (mọi thứ đổi khác). Tất cả là Western culture (văn hóa phương Tây). Nhiều lúc Dan rất confused (bối rối)”.

Một trong những chuyện “gây bối rối” cho chàng trai gốc Việt là khi đang học cấp 3, Dan Nguyen theo bạn bè xin đi làm thêm bán thời gian tại một hiệu sách. Vì mới 16 tuổi nên Dan Nguyen phải xin chữ ký của bố mẹ để được làm việc.

“Việc đó Dan làm chỉ khoảng 5 tiếng/tuần, after school (sau giờ học ở trường) để Dan lấy discount (giảm giá) mua sách. Khi Dan về nói ba mẹ sign (ký) cái này cho con để con đi làm, thì ba mẹ rất giận, nói ‘Đi làm rồi bỏ học, đi ra đường kiếm tiền rồi không đi học nữa hả?’. I was so confused (Tôi đã rất bối rối), không hiểu gì, vì thấy mấy đứa bạn trong high school ai cũng đi học đi làm, nên Dan (lớn tiếng) hỏi “Why?” (tại sao vậy)”, Dan Nguyễn kể.

Những tác phẩm của Dan Nguyễn trên đường phố Sài Gòn.
Những tác phẩm của Dan Nguyễn trên đường phố Sài Gòn.

Và “nút thắt” cho những va chạm văn hóa trong Dan Nguyễn đã được gỡ dần sau thời gian trở về, sống và làm việc tại Việt Nam, bắt đầu từ một chuyến nghỉ hè 2 tháng, rồi quyết định ở lại 1 năm, 2 năm, 3 năm và cuối cùng là 10 năm tại Việt Nam. Dan Nguyễn nói khoảng thời gian này đã giúp anh có cơ hội tìm hiểu về nguồn cội, văn hóa người Việt và dần “hiểu” cha mẹ mình hơn.

“Sau khi Dan về Việt Nam sống một ít thời gian thì mới hiểu ra là ba mẹ rất traditional (truyền thống). Dan học hỏi rất nhiều, về (nguồn) gốc, về everything (mọi thứ), and then finally (và cuối cùng) hiểu ba mẹ”, Dan nói.

Ngoài khả năng vẽ, Dan Nguyễn còn được biết tiếng trong giới nghệ thuật về tài DJ. Anh đã từng đi đến hơn 20 quốc gia để tham gia biểu diễn tại các lễ hội âm nhạc lớn trên thế giới dưới tên Demon Slayer.

Khi về Việt Nam, Dan Nguyễn dễ dàng kiếm việc trong môi trường âm nhạc và nghệ thuật mà anh nói là “đang phát triển và tràn đầy năng lượng” tại đây.

Có một lượng fan và người ủng hộ khá đông tại Việt Nam, trong khi vẫn duy trì công việc ở Mỹ, chàng trai gốc Việt cảm nhận mình có thể “đóng góp” chút gì đó trở lại cho quê hương cũng như “cân bằng” chính bản thân mình bằng cách làm cầu nối văn hóa giữa hai quê hương.

Dan cho biết: “Chơi nhạc ở đây, đi diễn ở bên Mỹ, Dan chơi mấy bài của Việt Nam, rồi chia sẻ những art works (tác phẩm nghệ thuật) của Vietnamese artists (các họa sĩ Việt Nam). Rồi khi về Việt Nam, Dan lại đem những tác phẩm nghệ thuật mới, nhạc mới của Los Angeles, của Mỹ Dan share (chia sẻ) với bên đó”.

Dan Nguyễn làm DJ trong một sự kiện âm nhạc.
Dan Nguyễn làm DJ trong một sự kiện âm nhạc.

Tuy nhiên, để đi đến thành công hôm nay, Dan Nguyễn đã phải vượt qua một thời gian dài dằn văt trong việc chọn nghề.

“Vì Dan vẽ từ nhỏ đến lớn nên ba mẹ cũng respect (tôn trọng) nhưng cũng push (thúc đẩy) Dan đi học. Dan đi học làm bác sĩ tâm lý vì hồi đó Dan cũng muốn giúp người. Một năm học pharmacy (dược), Dan thấy là ‘Oh my God! This is so boring’ (Trời ạ, sao nó chán thế!) nên Dan chuyển qua học bác sĩ tâm lý. Vì Dan thấy bác sĩ tâm lý là ở giữa yêu cầu của ba mẹ và yêu cầu của Dan. Sau khi học vài năm thì Dan thấy nó không hợp với Dan nên Dan focus (tập trung) vào âm nhạc và nghệ thuật thôi vì Dan thấy cái đó nó cũng giúp người”, Dan Nguyễn cho biết thêm.

Hơn ba mươi tuổi, chàng trai đa tài này mới thực sự chọn con đường âm nhạc và nghệ thuật là nghề nghiệp chính thức của mình.

Dan nói: “Dan nghĩa là mỗi người có mặt trên thế giới này đều có một sứ mệnh để đóng góp và giúp đỡ người khác bằng một cách nào đó. Tài năng của mình chính là công cụ để mình sử dụng cho người khác. Sau này tôi mới phát hiện ra là công cụ của mình chính là nghệ thuật, và đó là cách mà tôi đóng góp những điều tích cực cho thế giới này”.

Trong đại dịch COVID-19, ngoài đóng góp tác phẩm tranh tô màu, Dan Nguyễn còn thực hiện những buổi livestream DJ nhạc ngay tại nhà để phục vụ nhu cầu âm nhạc của tất cả những ai cần một chút thư giãn trong lúc bị cầm chân trong nhà vì đại dịch.

Hiện chàng trai trẻ gốc Việt đang giữ vị trí Giám đốc nghệ thuật trong một công ty quảng cáo ở California, nơi anh thực hiện những sản phẩm quảng bá cho các thương hiệu nổi tiếng như McDonald, Coca-Cola, Samsung…

Bài Liên Quan