Tàu cao tốc Paris – Berlin 4 giờ: Điều kiện thành công của kế hoạch hậu Covid ?

Tàu cao tốc Paris – Berlin 4 giờ: Điều kiện thành công của kế hoạch hậu Covid ?

Đăng ngày: 19/07/2020 – 09:22

Mạng lưới đường sắt cao tốc của các nước châu Âu năm 2015
Mạng lưới đường sắt cao tốc của các nước châu Âu năm 2015 © Wikipedia

Trọng Thành4 phút

Trước thềm thượng đỉnh Liên Âu bàn về ngân sách cho kế hoạch chấn hưng hậu Covid, một cơ quan nghiên cứu độc lập về kinh tế của Pháp vừa công bố một kế hoạch chấn hưng châu Âu cụ thể. Nội dung chính là dự án 4 tuyến đường sắt cao tốc xuyên châu Âu, trong đó chặng Paris – Berlin rút xuống còn 4 giờ. Tàu cao tốc xuyên châu Âu được coi là điều kiện cho thành công của kế hoạch chấn hưng.

Observatoire français des conjonctures économiques – OFCE (Đài quan sát các cơ hội kinh tế Pháp), cùng hai viện nghiên cứu Đức (IMK) và Áo (WIIW), khẳng định giao thông phải là nền tảng của chấn hưng. Trong kế hoạch trị giá 2.000 tỉ euro cho đầu tư trong 10 năm, 75% sẽ dành cho phát triển các dự án xuyên châu Âu lớn, trong đó có các tuyến đường sắt cao tốc.

Cụ thể là, theo dự kiến, châu Âu cần có một hệ thống tàu cao tốc với 4 tuyến xuyên châu Âu, như từ Lisboa (Bồ Đào Nha) đến Helsinki (Phần Lan), hay từ Berlin (Đức) đến Nicosie (đảo Síp) (chặng Paris – Berlin nằm trên tuyến Bồ Đào Nha – Phần Lan rút ngắn còn 4 giờ, so với 8 giờ hiện nay). Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống tàu nhanh (250km/h đến 350 km/h) sẽ là gần 20.000 km, nối liền toàn bộ các thủ đô châu Âu. Tổng số tiền chi cho dự án khổng lồ này là khoảng 1.100 tỉ euro.

AFP dẫn lời ông Jérôme Creel, giám đốc bộ phận nghiên cứu của OFCE cho biết một kế hoạch chấn hưng đúng nghĩa « phải tập trung vào một dự án cụ thể, trước khi đặt vấn đề về phương thức tài trợ ». Theo OFCE, một dự án đường sắt cao tốc như vậy là cấp thiết. Bên cạnh việc cho phép thắt chặt quan hệ giữa các nước châu Âu và không để bị tụt hậu trước Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, dự án 4 tuyến đường cao tốc xuyên châu Âu còn đáp ứng mục tiêu của dự án chuyển sang kinh tế Xanh (Green New Deal) của Liên Âu, hướng đến nền kinh tế trung hòa về khí thải trước 2050.

Theo dự án của Ủy Ban Châu Âu, giao thông chiếm một phần tư lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tham vọng của châu Âu là giảm 90% khí thải trong lĩnh vực giao thông trước năm 2050. Dự kiến 75% lưu lượng vận chuyển đường bộ sẽ được chuyển qua vận tải đường sắt và vận tải đường sông – đường biển. Đường sắt trong tương lai sẽ là phương tiện chủ yếu cho việc đi lại giữa các thủ đô châu Âu.   

Thực ra dự án xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc xuyên châu Âu hoàn toàn  không phải là điều mới. Cách nay không lâu, dự án này vẫn được coi là điều không thực tế. Tháng 6/2018, cơ quan phụ trách giám sát tài chính của Liên Âu từng ra một báo cáo khẳng định một mạng lưới đường sắt cao tốc tại châu Âu vốn có vào thời điểm đó là « không hiệu quả » và quá tốn kém, một phần lớn là do tình trạng manh mún của đường sắt cao tốc châu Âu, mỗi quốc gia mạnh ai nấy làm theo cách của mình. Báo cáo của định chế châu Âu nói trên đưa ra kết luận dựa trên việc khảo sát 5.000 km đường sắt cao tốc hiện có tại nhiều nước châu Âu, với tổng chiều dài 5.000 km, chiếm một nửa mạng đường cao tốc châu Âu.

Tuy nhiên, giờ đây với quyết định lịch sử chuyển mạnh sang nền kinh tế Xanh (Green New Deal), dự án các tuyến đường sắt cao tốc xuyên châu Âu có cơ hội được xem xét nghiêm túc. Tháng 3/2020, Ủy Ban Châu Âu  đề nghị lấy năm 2021 là Năm Đường Sắt Châu Âu. Về mặt lý tưởng, tạo lập một hệ thống đường sắt cao tốc xuyên châu Âu, ưu tiên đi lại bằng đường sắt được hy vọng là sẽ cho phép Liên Hiệp Châu Âu trở nên gắn bó hơn, giao thông mau lẹ và an toàn hơn, đi liền với tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững hơn.  Trong hy vọng đặt vào đường sắt châu Âu nói chung, hệ thống đường sắt cao tốc sẽ có vai trò gì?

Bài Liên Quan