Tìm lại người nhà sau 40 năm lưu lạc: “Trái tim tôi thuộc về Việt Nam”

Tìm lại người nhà sau 40 năm lưu lạc: “Trái tim tôi thuộc về Việt Nam” (phần 1)

  • Minh Thư
  • BBC News Tiếng Việt

24 tháng 9 2020https://bbc.com/ws/av-embeds/cps/vietnamese/vietnam-54271188/p08s9sbc/viChụp lại video,

Về lại Việt Nam sau 40 năm: ‘cảm giác tuyệt vời’

“Chị có chắc là mọi người muốn nghe câu chuyện của tôi không? Mà tôi không nói được tiếng Việt”, anh Thanh hỏi tôi trên điện thoại.

“Câu chuyện của anh rất cảm động và thú vị. Tôi tin là mọi người sẽ thích nghe”, tôi thuyết phục anh.

Và anh Thanh, còn gọi là Tan từ khi anh sang Anh năm 1980, đồng ý tới trụ sở BBC để kể cho tôi nghe câu chuyện anh tình cờ tìm được gia đình sau gần 40 năm lưu lạc ra sao

Bên ly cà phê một ngày cuối hè ở London, người đàn ông làm nghề lái xe khách du lịch đã trải lòng và đưa tôi ngược dòng ký ức, trở lại tuổi thơ của anh ở Cam Ranh, Việt Nam.

‘Bí mật không được cho ai biết, kể cả ba mẹ’

Cậu bé Thanh sinh năm 1966, là con thứ tư trong một gia đình có sáu người con ở một làng nhỏ ở ngoại ô Cam Ranh.

Cha cậu từng làm trong căn cứ hải quân của Mỹ, nhưng sau năm 1975 cuộc sống của gia đình cậu đảo lộn và gặp nhiều khó khăn.

“Tôi còn bé nên không còn nhớ nhiều, nhưng tôi nhớ là cuộc sống rất khó khăn. Chúng tôi phải chạy ăn từng bữa,” anh Thanh kể.

Ông chủ thuyền cá mà anh Thanh từng phụ việc khi 14 tuổi thường tổ chức các chuyến vượt biên (hình minh họa)
Chụp lại hình ảnh,Ông chủ thuyền cá mà anh Thanh từng phụ việc khi 14 tuổi thường tổ chức các chuyến vượt biên (hình minh họa)

Để có thêm thu nhập cho gia đình, cậu bắt đầu phụ việc cho một chủ thuyền cá từ khi 12-13 tuổi.

Sau một thời gian, qua công việc hàng ngày, Thanh được biết người chủ thuyền thường tổ chức các chuyến vượt biên rời Việt Nam.

Rồi khi cậu 14 tuổi, ông chủ nói cậu có thể được lên thuyền đi vượt biên mà không phải đóng tiền.

“Chị biết đấy, người ta trả các khoản tiền lớn hay nhiều vàng để rời Việt Nam khi đó,” anh Thanh cười buồn. “Mà tôi lại có cơ hội được đi không mất tiền.”

“Chuyến tôi đi, ông chủ dặn đây là một bí mật rất lớn. Nếu kế hoạch bị lộ thì cả chuyến đi sẽ bị đổ bể, ảnh hưởng đến tất cả mọi người.

“Tôi được dặn là không được kể cho ai, kể cả cha mẹ tôi về những gì sắp diễn ra.”

Và thế là chừng ba giờ sáng đêm ấy, Thanh lên thuyền ra khơi cũng như một ngày làm việc bình thường.

Cậu không nghĩ ngợi nhiều về những gì đang chờ đợi phía trước, mà chỉ linh cảm đây là con đường đưa cậu tới một cuộc sống khấm khá hơn.

Anh Thanh (còn gọi là Tan) này làm nghề lái xe khách ở Anh Quốc
Chụp lại hình ảnh,Anh Thanh (còn gọi là Tan) này làm nghề lái xe khách ở Anh Quốc

Lênh đênh trên biển ‘chờ được cứu hay là chết’

Chiếc thuyền cá nhỏ của Thanh gặp một chiếc tàu lớn hơn ngoài khơi, và 82 người, trong đó có Thanh, bắt đầu hành trình vượt biên.

Tàu đi về hướng Hong Kong hoặc Phillippines theo kế hoạch, nhưng sau bảy ngày họ hết sạch nhiên liệu và đồ ăn mà vẫn chưa tới được đâu.

“Và suốt 5-7 ngày tiếp theo, chúng tôi lênh đênh trên biển, và chờ được cứu hộ hay là chết.

“Mọi người đều kiệt sức vì đói và mệt,” anh Thanh nhớ lại.

“Một đêm, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng còi tàu rất lớn. Về sau tôi được biết đó là một tàu chở dầu của Anh đang đi đến Thái Lan.

“Họ dừng lại và cứu chúng tôi. Thật là tuyệt vời và khó tin. “

Hình ảnh chiếc tàu chở dầu khổng lồ đứng bên cạnh tàu cá nhỏ xíu giữa đai dương mênh mông hằn sâu trong ký ức của anh Thanh đến tận bây giờ.

Và đoàn người vượt biên trong đó có Thanh được đưa sang Thái Lan.

Trong ba tháng chờ làm giấy tờ xin tỵ nạn, họ được chuyển từ trại này sang khác, hầu hết sống trong điều kiện rất thiếu thốn.

Hình tư liệu chụp trẻ em Việt Nam không có gia đình đi cùng ở một trại tỵ nạn Thái Lan năm 1982
Chụp lại hình ảnh,Hình tư liệu chụp trẻ em Việt Nam không có gia đình đi cùng ở một trại tỵ nạn Thái Lan năm 1982

Thanh được chọn sang sống ở Anh, Ý hoặc Mỹ. Cậu nghe theo lời khuyên của người lớn và chọn đi Anh vì “Anh có hệ thống giáo dục tốt hơn”.

Thanh đặt chân đến xứ sở sương mù tháng 12/1980.

Lần đầu tiên được nhìn thấy tuyết, cậu bé từ Việt Nam cảm thấy mình như “đang ở một thế giới khác, một hành tinh khác.”

‘Mất liên lạc hoàn toàn với gia đình’

Ngay từ lần đầu nói chuyện với tôi qua điện thoại, anh Thanh đã chân thành thổ lộ anh hơi xấu hổ vì không còn nói được tiếng Việt và đã để mất liên hệ với gia đình suốt nhiều năm.

Nghe anh kể chuyện trong cuộc phỏng vấn tôi mới hiểu cuộc đời đã đẩy anh dần xa với cội nguồn Việt ra sao.

Khi mới sang Anh, cậu bé Thanh và một số người Việt khác được tổ chức nhân đạo Ockenden Venture nhận chăm sóc. Thời gian đầu, cậu được xếp ở với một gia đình người Việt tại thị trấn Woking, đông nam nước Anh.

Họ giúp cậu viết thư gửi về cho gia đình vì cậu không biết đọc biết viết do không được đi học ở Việt Nam.

Cảnh thị trấn Woking, nơi đầu tiên anh Thanh sống ở nước Anh
Chụp lại hình ảnh,Cảnh thị trấn Woking, nơi đầu tiên anh Thanh sống ở nước Anh

“Tôi nhớ có nhận được thư của gia đình, không thường xuyên mà hiếm khi mới có thư. Gia đình tôi rất mừng là tôi đã đến nơi an toàn. Họ biết chính xác tôi đang ở đâu,” anh Thanh kể.

Khi mới sang, anh Thanh cũng có lần cố gắng nộp hồ sơ xin cho gia đình sang Anh, nhưng anh đã không thành công.

Tôi hỏi anh tâm trạng lúc anh mới sang Anh thế nào. Cuộc sống xa gia đình ở nơi đất khách quê người với cậu thiếu niên 14 tuổi chắc hẳn là nhiều khó khăn, nhất là về tình cảm.

“Cũng buồn lắm vì ở tuổi thiếu niên, tôi thường nhớ gia đình tôi rất nhiều,” anh Thanh tâm sự.

“Lúc nào tôi cũng nghĩ đến gia đình và tôi thường khóc rất nhiều. Cho dù tôi có một hai người bạn, nhưng bạn không như gia đình.”

Sau hơn một năm, Thanh cùng hai cậu bé người Việt được chuyển nhà và chuyển trường tới bắc xứ Wales. Những lá thư nhà thưa dần và rồi dừng hẳn khi cậu chuyển địa điểm.

Hai năm sau, anh lại di chuyển tới Manchester, rồi đổi hướng từ học đại học sang học nghề cơ khí, và cuối cùng làm thợ sơn ô tô, nghề mà anh làm trong khá nhiều năm.

“Cuộc đời tôi đổi hướng và tôi mất liên lạc hoàn toàn với gia đình. Những người giúp tôi viết thư về nhà, tôi không biết họ ở đâu nữa.

“Những cậu bé ở cùng trung tâm người tỵ nạn với tôi cũng đi khắp nước Anh, tôi mất liên hệ với họ,” giọng anh Thanh đượm buồn.

Cơ duyên khó tin

Từ khi có công ăn việc làm ổn định, hơn 30 năm qua, anh Thanh luôn đau đáu muốn tìm lại tung tích gia đình ở Việt Nam, nhưng anh không biết phải bắt đầu từ đâu.

Anh từng nghĩ đến chuyện liên hệ với một đại lý ở Việt Nam để họ giúp anh tìm tung tích gia đình. Hay nhờ bạn bè gốc Việt, hay thậm chí nhờ chương trình tìm cội nguồn của BBC giúp đỡ.

Nhưng tất cả mới chỉ trong suy nghĩ, anh chưa có bước đi cụ thể nào. Thế rồi một cơ duyên khó tin xảy ra.

Anh Thanh và người bạn anh quen qua game, anh Trung trong Dinh Độc Lập hồi đầu tháng 3/2020
Chụp lại hình ảnh,Anh Thanh và người bạn anh quen qua game, anh Trung trong Dinh Độc Lập hồi đầu tháng 3/2020

Là người thích chơi game online, anh Thanh tình cờ gặp một người đàn ông ở Sài Gòn trên game “Clash of the Titans”.

“Anh Trung ở trong cùng một dòng họ [clan] trong game mà chúng tôi chơi,” giọng anh Thanh đầy phấn khích.

“Tôi tự nhủ có lẽ tôi nên đi Việt Nam để gặp anh Trung bạn tôi, và xem anh ấy có giúp tôi được không.”

Cảm thấy mình đang già đi, anh Thanh “không muốn chết mà không biết gia đình tôi ở đâu và họ có ổn không.”

Và thế là anh mua vé lên đường đi TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 3/2020.

Anh Thanh trong chuyến về Việt Nam lần đầu tiên sau 40 năm hồi tháng 3/2020
Chụp lại hình ảnh,Anh Thanh trong chuyến về Việt Nam lần đầu tiên sau 40 năm hồi tháng 3/2020

“Thật tuyệt vời khi được thấy Việt Nam sau 40 năm. Tôi rất vui nhưng cũng hơi xấu hổ một chút vì tôi không nói được tiếng Việt.

“Mấy ngày đầu tiên bạn tôi đưa tôi đi nhà hàng, đi thăm Dinh Độc lập, lượn phố bằng xe máy. Thật là tuyệt vời.

“Và qua anh Trung, tôi được gặp chị Ruby (Ngọc). Chị ấy rất hiểu biết và thật tuyệt vời.

“Cho tới khi tôi gặp họ, tôi không nghĩ là trên đời lại có những người tốt như vậy. Họ giúp tôi như thể họ đã biết tôi từ nhiều năm. Họ không muốn gì từ tôi cả, họ chỉ muốn giúp tôi,” anh Thanh say sưa kể.

Anh Thanh (giữa) cùng hai người bạn ở TP HCM - anh Trung và chị Ngọc
Chụp lại hình ảnh,Anh Thanh (giữa) cùng hai người bạn ở TP HCM – anh Trung và chị Ngọc

Khi đó, anh Thanh không ngờ chỉ vài ngày sau khi anh đặt chân đến Việt Nam, anh sẽ phải đi cách ly vì có người cùng chuyến bay xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Anh cũng không thể ngờ chính chị Ngọc là người sẽ giúp anh tìm lại được gia đình khi anh đã quay về Anh.

Tìm lại người nhà sau 40 năm lưu lạc: “Tôi đã mất rất nhiều” (phần 2)

  • Minh Thư
  • BBC News Tiếng Việt

Trở lại Việt Nam lần đầu sau 40 năm, anh Thanh rất háo hức được khám phá phố phường và tới các điểm thăm quan ở TP HCM cùng hai người bạn là Trung và Ngọc.

Nhưng chỉ được vài ngày thì công an khu vực khách sạn anh ở thông báo tin bất ngờ: anh phải đi cách ly tập trung 14 ngày vì có người trên cùng chuyến bay London – TP HCM với anh nhiễm Covid-19.

“Thật may mắn là tôi đã gặp họ [anh Trung và chị Ngọc] trước khi tôi phải đi cách ly.

“Ngay cả khi tôi ở nơi cách ly, họ giúp tôi rất nhiều. Họ mua SIM cho tôi với dung lượng internet đủ xài, họ gửi cho tôi trái cây, đồ dùng thiết yếu…Chị Ngọc cũng giúp tôi liên hệ với Lãnh sự quán Anh và đổi vé để tôi có thể trở về Anh suôn sẻ.”

Hết thời hạn cách ly, anh Thanh phải trở lại Anh ngay vì đã hết phép. Anh không có cơ hội về thăm Cam Ranh và không thêm được manh mối nào để tìm tung tích gia đình.

Nhưng chị Ngọc vẫn không quên mục đính chính trong chuyến đi của anh và tiếp tục hối thúc anh Thanh tìm lại những lá thư cũ người nhà gửi cho anh gần 40 năm trước.

Sống ở Anh đã 40 năm, anh Thanh nói đối với anh, Việt Nam mới là quê hương
Chụp lại hình ảnh,Sống ở Anh đã 40 năm, anh Thanh nói đối với anh, Việt Nam mới là nhà, là quê hương

Tấm bản đồ trong Dinh Độc Lập

Muốn biết rõ hơn vì sao chị Ngọc lại nhiệt tình giúp anh Thanh như vậy, và chị đã giúp anh tìm người thân ra sao, tôi hỏi chuyện chị Ngọc qua Skype.

“Nghe câu chuyện của ảnh thì Ngọc nói sẽ cố gắng giúp ảnh hết sức có thể,” chị Ngọc kể.

“Lúc đó chỉ biết quê ảnh ở Cam Ranh thôi chứ không nhớ cụ thể ở đâu ở Cam Ranh nữa.

“Ảnh chỉ cho Ngọc được cái tên của ba ảnh, mẹ ảnh, người em gái và một người em trai.”

Hình chụp tấm bản đồ trong Dinh Độc lập có khu vực nhà anh Thanh ở Cam Ranh
Chụp lại hình ảnh,Hình chụp tấm bản đồ trong Dinh Độc lập có khu vực nhà anh Thanh ở Cam Ranh

Hôm chị Ngọc và anh Trung dẫn anh Thanh đi thăm Dinh Độc Lập, họ dừng chân trước một bản đồ cũ về các cuộc chiến trước 1975.

Anh Thanh chỉ ngay vào một khu vực ở Cam Ranh và nói nhà anh ở gần khu vực đó. Chị Ngọc nhận ngay ra nơi đó gần khu nhà một người bạn chị ở Cam Ranh – khu Ba Ngòi.

Ngay tại Dinh Độc lập, chị Ngọc tìm ra số điện thoại của người bạn đã lâu ngày không liên hệ. Chị gọi cho người bạn và được biết anh vẫn ở đó, và nhà anh rất gần khu cảng cá mà anh Thanh chỉ trên bản đồ.

Vậy là đã có manh mối đầu tiên giúp chị Ngọc thu hẹp phạm vi tìm người nhà anh Thanh.

Lá thư định mệnh

Khi tôi hỏi chị Ngọc điều gì thôi thúc chị muốn tìm gia đình cho anh Thanh đến vậy, chị cười và nói chị cũng không chắc vì sao nữa.

Có lẽ chị thấy xúc động trước tâm trạng buồn hiện trên nét mặt anh Thanh từ lần đầu mới gặp, cũng có lẽ vì chị có con trạc tuổi anh Thanh khi anh đi vượt biên nên dễ thương cảm với những gì anh phải trải qua ở tuổi thiếu niên.

“Tự nhiên lúc nào Ngọc cũng tin là mình sẽ tìm kiếm được gia đình cho ảnh hết trơn,” chị Ngọc tâm sự.

“Thế là Ngọc mới lấy tấm hình và thông tin của ảnh Ngọc viết một bản tin. Ngọc định dùng cái bản tin đó nhờ đăng báo hoặc chờ khi nào bớt dịch Ngọc sẽ ra Cam Ranh nhờ tra nhân khẩu xem có ai tên như vậy không.”

Không những thế, chị nhiều lần giục anh Thanh cố tìm lại lá thư cũ để biết đâu có thêm thông tin.

Và thật may mắn, vài tuần sau, anh Thanh tìm được một lá thư má anh gửi cho anh năm 1981.

Anh vội vàng chụp hình gửi cho chị Ngọc.

Lá thư má anh Thanh gửi năm 1981 vẫn còn đầy đủ tên tuổi và địa chỉ của từng người trong gia đình
Chụp lại hình ảnh,Lá thư má anh Thanh gửi năm 1981 vẫn còn đầy đủ tên tuổi và địa chỉ của từng người trong gia đình

“Lúc đó nha, vừa mở lá thư, vừa coi cái trang đầu tiên thôi, Ngọc còn nhớ, coi như là muốn rụng rời luôn á,” chị Ngọc kể giọng đầy xúc động.

“Tại vì có đầy đủ thông tin địa chỉ của gia đình anh trong đó. Trong đời mình chưa bao giờ có cái cảm xúc như vậy hết”.

Lá thư có đầy đủ tên tuổi từng người trong gia đình và địa chỉ nhà vì trước đó anh Thanh dặn má gửi những thông tin này để thử làm thủ tục xin đưa gia đình sang Anh.

Không chần chừ, chị Ngọc gọi điện ngay cho người bạn ở Cam Ranh, và thật tình cờ, địa chỉ trong thư chỉ cách nhà anh chừng một cây số.

“Lúc mình nhận được là thư là 12 giờ, thì đúng 4 giờ trưa, tức là đúng một tháng kể từ khi anh Thanh về Việt Nam và quay lại Anh thì bạn Ngọc gọi điện cho Ngọc, nói là đã kiếm được gia đình của ảnh.

“Và người em gái của ảnh, chị Yến, trực tiếp gọi điện cho Ngọc. Và Ngọc báo cho anh Thanh là đã tìm được gia đình.” Chị Ngọc rớm nước mắt khi nhớ lại khoảnh khắc đó.

“Lúc mà gọi điện qua, hai anh em khóc không à. Ngọc khóc còn nhiều hơn ảnh.

“Không hiểu sao mà mình cảm thấy giống như là mình kiếm được người thân cho mình đó, giống như là gia đình anh là một phần của Ngọc vậy đó.”

Anh Thanh nay liên hệ thường xuyên với chị Yến, em gái anh ở Cam Ranh dù chưa có cơ hội về lại Việt Nam do dịch Covid-19
Chụp lại hình ảnh,Anh Thanh giờ đây liên hệ thường xuyên với chị Yến, em gái anh ở Cam Ranh qua mạng vì chưa có cơ hội về lại Việt Nam do dịch Covid-19

‘Trái tim tôi thuộc về Việt Nam’

Từ khi tìm được gia đình, anh Thanh liên hệ thường xuyên với chị Yến, em gái anh ở Cam Ranh.

Tôi hỏi anh Thanh chuyện tìm lại được người thân có ý nghĩa ra sao đối với anh, và về những dự định của anh trong tương lai.

“Tôi mong chờ tương lai khi tôi có thể về thăm gia đình. Tôi muốn về Việt Nam có thể là hai lần mỗi năm, không chỉ là để thăm người nhà mà còn tìm lại cội nguồn của tôi.

“Tôi cần học lại tiếng Việt. Rất nhiều điều tôi đã mất sau bao nhiêu năm. Tôi biết là cần phải có thời gian.

Nhiều chuyện đã xảy ra trong 40 năm anh Thanh xa quê. Ba má anh đã mất mà anh không biết, điều làm anh rất đau lòng.

Anh Thanh mong ước sớm được trở lại Cam Ranh để đoàn tụ với gia đình
Chụp lại hình ảnh,Anh Thanh mong ước sớm được trở lại Cam Ranh để đoàn tụ với gia đình

Anh cũng cho biết suy nghĩ về tương lai của anh đã thay đổi nhiều, và anh nghĩ đến khả năng sẽ ở Việt Nam sáu tháng và ở Anh sáu tháng khi đã nghỉ hưu.

“Trái tim tôi thực sự thuộc về quê hương… Việt Nam đối với tôi là quê hương vì tìm lại được gia đình khiến tôi thấy có lẽ tôi có thể sống ở đó sau khi nghỉ hưu.

“Giờ đây tôi có cảm giác thuộc về nơi nào đó. Tôi biết chắc chắn là tôi thuộc về gia đình tôi. Đấy là những gì tôi cảm thấy trong lòng.”

Anh Thanh mong ước được sớm trở lại Cam Ranh đoàn tụ và kết nối với đại gia đình, được quan sát chị Yến, em gái anh làm các công việc thường nhật, và ra biển trên một chiếc thuyền cá như tuổi thơ anh ngày nào.

Anh Thanh mong có dịp được ra khơi trên một chiếc thuyền cá ở Cam Ranh, sống lại tuổi thơ ngày nào
Chụp lại hình ảnh,Anh Thanh mong có dịp được ra khơi trên một chiếc thuyền cá ở Cam Ranh, sống lại tuổi thơ ngày nào

Anh đã đặt vé hy vọng tháng 11 sẽ về Cam Ranh đoàn tụ với gia đình, nhưng do dịch Covid-19, kế hoạch của anh phần nhiều sẽ phải hoãn lại.

Tôi, chị Ngọc, và những người biết câu chuyện của anh Thanh đều mong ngày đoàn tụ gia đình của anh mau tới và mừng cho anh đã tìm được bến đỗ tinh thần sau nhiều năm lưu lạc.

Bài Liên Quan