Vì sao phụ nữ Ba Lan biểu tình giữa mùa dịch Covid?

Vì sao phụ nữ Ba Lan biểu tình giữa mùa dịch Covid?

  • Ngô Hoàng Minh
  • Gửi cho BBC từ Warsaw

2 giờ trước

Female opposition deputies block the rostrum of the Sejm as the "For Life" programs were announced in the Lower House in Warsaw
Chụp lại hình ảnh,Dân biểu nữ đối lập phản đối ở Hạ viện tại Warsaw

Từ đầu năm nay, chính phủ Ba Lan tự hào là có những đường lối rất đúng đắn, ban hành chính sách giãn cách xã hội, cố gắng làm giảm sự lây lan của loại virus corona từ Vũ Hán, mới và quá nguy hiểm này. Nhờ vậy có rất ít người nhiểm bệnh và tử vong.

Nhưng sau dịp nghỉ hè, chính phủ lại cho phép học sinh được hàng ngày cắp sách tới trường, không phải học online nữa, thì dịch bệnh lại bùng phát mạnh, số người có kết quả xét nghiệm dương tính hàng ngày ở Ba Lan đã không chỉ là con số vài trăm nữa, mà đã lên tới hàng ngàn, thậm chí hơn chục ngàn, rồi hơn hai chục ngàn, gây lo lắng khắp nơi và các biện pháp hạn chế giao lưu và tiếp xúc được đưa ra.

Vậy mà suốt hơn một tuần nay, phụ nữ Ba Lan kêu gọi nhau rầm rộ xuống đường biểu tình.

Phong trào có khẩu hiệu ‘Strajk Kobiet’ (Phụ nữ Đình công), với cả trăm nghìn người, nam, nữ tham gia, nổ ra ở các thành phố lớn trên cả nước, và lan sang cả Anh Quốc, với người Ba Lan và thân hữu của họ tham gia ngay tại London hôm vừa qua.

Loi Hong Diep
Chụp lại hình ảnh,Tranh của họa sỹ người Việt, Lợi Hồng Diệp, sống tại Warsaw, thể hiện sự phản kháng đối với luật cấm phá thai

Có phải phụ nữ Ba Lan không sợ Covid-19, bất chấp nguy hiểm dịch bệnh lan tràn?

Theo tâm lý chung, sức khỏe của mỗi cá nhân, của gia đình mình và của xã hội bao giờ cũng là vấn đề quan trọng nhất trong cuộc sống, ai cũng quan tâm và gìn giữ. Tức là người dân Ba Lan cũng rất lo lắng về tình hình bùng phát dịch bệnh đợt hai này, nhưng theo tôi nhận thấy, có điều họ còn quan tâm nhiều hơn: vấn đề nhân quyền, cụ thể là quyền tự do quyết định của mỗi cá nhân.

Thế hệ trẻ gốc Việt ở Ba Lan cũng ngày càng ý thức được là vấn đề chính trị có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi cá nhân. Vậy là cũng đã có rất nhiều các cháu gốc Việt cùng người Ba Lan xuống đường, không chỉ là ủng hộ phụ nữ Ba Lan, mà còn đấu tranh cho chính mình một tương lai tốt đẹp hơn. Nhiều phụ huynh của các cháu cũng lên tiếng ủng hộ, không hề cấm đoán con em mình tham gia, mặc dù tâm lý nói chung của người Việt ở đây là rất lo sợ virus Vũ Hán.

Biểu tình ở Warsaw ngày 26/10
Chụp lại hình ảnh,Biểu tình ở Warsaw ngày 26/10

Xu hướng bảo thủ bắt đầu từ năm 2015

Những ai quan tâm chính trị ở Ba Lan thì đã biết là từ năm 2015 đảng Luật pháp và Công lý (PiS) đã thắng cử, có đa số ghế trong Quốc hội và lập chính phủ. Ngay lập tức, đảng cánh hữu này đã tìm mọi cách chiếm lĩnh ngành tư pháp vốn phải độc lập với chính phủ, theo nguyên tắc Tam quyền phân lập. PiS nói cần “thanh lọc” tất cả vì tư pháp còn nhiều “tàn dư của chế độ cộng sản cũ”, vốn đã chấm dứt 30 năm trước.

Bằng cách đổi luật và lợi dụng các thủ tục kỳ lạ, có khi là nhóm họp Quốc hội vào nửa đêm, không mời phe đối lập, họ đã thay dần các thẩm phán trong Tòa án Hiến pháp và mọi tòa án các cấp, thậm chí đưa những người dù không có trình độ cao hay là không được nhiều uy tín vào các cơ quan tư pháp, miễn là có tư tưởng ủng hộ đảng cầm quyền. Liên hiệp châu Âu đã nhắc nhở Ba Lan về nguy cơ đánh mất tính pháp quyền của hệ thống chính trị và tư pháp.

Sống tại Ba Lan tôi thấy có những ví dụ của chuyện bổ nhiệm bị dư luận cho là “qua quan hệ thân hữu”. Thí dụ như bà Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Julia Przylebska cũng chỉ có bằng cử nhân luật, không hề có học hàm học vị gì cao siêu như các giáo sư hay tiến sỹ khác, nhưng có quan hệ tốt với Chủ tịch đảng cầm quyền. Báo chí đưa tin là bà này có chăm sóc Chủ tịch đảng PiS Jaroslaw Kaczynski, thường xuyên nấu ăn cho ông ấy, bởi vì ông này sống độc thân, trong nhà chỉ nuôi một con mèo.

Sau những biến đổi ở Đông Âu, Ba Lan đã trở thành quốc gia tự do, theo Phương Tây (gia nhập NATO và EU), do vậy nhiều bộ luật đã được thay đổi. Thí dụ như luật cấm phá thai. Nhiều người biết là ở Ba Lan có nhiều người dân theo Công giáo (đa số), do vậy ở quốc gia này đã có bộ luật nói chung cấm phụ nữ phá thai tại mọi thời điểm. Vào năm 1993 Quốc hội đã cho ra một bộ luật được gọi nôm na là “thỏa hiệp” giữa phe bảo thủ (theo Giáo hội Công giáo – cấm đoán hoàn toàn) và phe tiến bộ (đối phương gọi là phe cánh tả).

Phe tiến bộ này muốn phụ nữ có quyền phá thai tự do trước 12 tuần tuổi, bởi vì người ta cho là khi chưa được 3 tháng thì người mẹ có quyền chưa cho là mình có em bé trong bụng, mà mới chỉ có phôi, chưa hề có nhận thức gì, vậy hoàn toàn có quyền quyết định.

Quan điểm thoáng mở này không được ủng hộ. Do vậy người ta đã cho ra một bộ luật cấm phá thai trong mọi thời điểm, chỉ có ba trường hợp duy nhất được phá thai mà không bị pháp luật trừng trị: đó là khi thai nhi được các bác sỹ phát hiện có dị tật nặng không thể tồn tại lâu dài, hoặc có thai vì phụ nữ bị hiếp dâm, hoặc là khi tính mạng của người phụ nữ bị đe dọa, không thể mang thai, cần được cấp cứu ngay.

Không hiểu sao trong bối cảnh dịch bệnh lan tràn như hiện nay, mà ông chủ tịch đảng PiS Kaczynski, người vừa vào chính phủ nắm một chức Phó Thủ tướng, lại bật đèn xanh cho Tòa án Hiến pháp, vậy khi có một số đại biểu Quốc hội viết đơn kiến nghị thì Tòa án Hiến pháp đã cho ra tuyên án là việc cho phép phá thai khi phát hiện thai nhi bị tàn tật nặng là vi hiến.

Có vẻ Quốc hội Ba Lan không dám thảo luận đại chúng về vấn đề này, mà đã nhờ vào giải pháp của Tòa án Hiến pháp, khiến một số người chỉ trích gọi Tòa nay “chỉ còn là cơ quan bù nhìn của đảng cẩm quyền” sau khi nhiều thẩm phám được bầu chọn không đúng thủ tục pháp lý. Tòa cho ra quyết định quan trọng như vậy, liên quan đến cuốc sống và tính mạng của nhiều người dân, không chỉ đối với phụ nữ đã khiến người ta kêu gọi nhau xuống đường biểu tình.

Người Ba Lan có một câu rất hay “được uống rượu nhưng không nhất thiết ai cũng phải say xỉn”, ý nói là luật cấm nói chung, nhưng cho phép phá thai trong 3 trường hợp đó. Bởi vì không nhất thiết ai cũng phải chọn con đường phá thai, mà cứ cư xử tùy theo lương tâm của mình. Tất nhiên là ai cũng có quyền lựa chọn, không nhất thiết phải tận dụng những điểm này của bộ luật, tức là có thể cứ sinh ra những đứa trẻ kém may mắn của mình (tàn tật, nhiều khi rất nặng).

A protester wearing a face mask holds a placard expressing her opinion during the demonstration
Chụp lại hình ảnh,Biểu tình ở Warsaw

Nhưng rất tiếc là Ba Lan vẫn chưa phải là một quốc gia giàu có, chỉ trẻ em được nhà nước hỗ trợ một khoản tiền, gọi là tiền nuôi con dưới 18 tuổi. Khi người phụ nữ không có bảo hiểm thì không có các tiêu chuẩn trợ cấp hay hưu trí gì.

Báo chí nêu trường hợp của một phụ nữ Ba Lan quyết định sinh con tàn tật nặng. Người chồng không chịu được vất vả đã bỏ ra nước ngoài sống, biệt tăm từ đó. Nhà nước Ba Lan hàng tháng hỗ trợ cho đứa trẻ một khoản tiền nhỏ, chỉ đủ cho hai mẹ con có cuộc sống nghèo nàn cả đời, vì mẹ suốt ngày phải chăm sóc con, nên không thể đi làm. Đáng buồn là người con qua đời trước, bà mẹ còn lại một mình và mất ngay tiền trợ cấp nuôi con, rút cục là rơi vào cảnh sinh kế khó khăn.

Ở Ba Lan hiện nay có một tổ chức pro-life (chống phá thai) với tên gọi là Ordo Iuris đang hoạt động mạnh. Họ cho xe treo panô rất kích động và bắc loa tuyên truyền “người đồng tính thường hay hiếp dâm trẻ em”, người ủng hộ nạo thai là “bọn sát nhân”.

Đã có nhiều vụ xung đột đường phố vì lý do này. Một nữ đại diện của Ordo Iuris vừa nói họ sẽ tiếp tục đấu tranh để xóa bỏ thêm cả điểm hai trong luật đã mang tính thỏa hiệp nói trên, tức là các nạn nhân hiếp dâm cũng phải sinh con, thậm chí khi người mẹ chưa đủ tuổi thành niên. Điểm ba thì nói về khả năng được phá thai nếu thai nhi và sinh sản đe dọa tính mạng của phụ nữ. Nếu xóa nốt thì sẽ có phụ nữ Ba Lan phải chịu nguy hiểm tính mạng để dưỡng thai bất chấp khuyến cáo y tế.

Có lo ngại xung khắc tôn giáo

Theo tôi quan sát, các điều luật mới nhất này tước quyền lựa chọn của phụ nữ Ba Lan, và theo một số người thì chính quyền với đầu óc Công giáo bảo thủ này coi phụ nữ chỉ là… máy đẻ. Người Việt có câu “tức nước vỡ bờ”, và nhiều người Ba Lan có lẽ cũng có cách nghĩ giống người Việt.

Con số đông phụ nữ đi biểu tình, hô khẩu hiệu rất mạnh, như “Cút mẹ chúng mày đi!”, ý nói là đa số đã sai lầm ủng hộ đảng cầm quyền, bây giờ muốn đuổi đi hết.

People shout slogans and hold banners as they participate in a national strike during the seventh day of protests against the Constitutional Court ruling

Những người biểu tình cho là trước đây mình quá hiền lành và nhẹ nhàng đối với chính quyền, nhưng sau một thời gian nắm quyền dài, chính quyền thỉnh thoảng có những phát biểu gây chia rẽ, nhiều chính trị gia dùng các ngôn từ không hề lịch sự, thì người Ba Lan đã quyết định cũng phải mạnh mẽ hơn, kể cả trong lời nói.

Có khẩu hiệu “Đuổi hết, con mèo thì được ở lại!” nhằm nhắc đến sinh hoạt của chủ tịch Đảng PiS Kaczynski, sống độc thân với mèo. Có gia đình đưa cả trẻ em đi biểu tình, nêu khẩu hiệu “Thậm chí trẻ con cũng biết là khi mẹ mà bực mình thì sẽ thế nào”. Có rất nhiều khẩu hiệu dí dỏm mà tôi thấy khó mà dịch nguyên văn và đủ ý sang tiếng Việt.

Ông Kaczynski, 71 tuổi, đổ thêm dầu vào lửa bằng tuyên bố là các đảng viên và những người ủng hộ đảng này phải bảo vệ chính quyền bằng mọi cách, thậm chí có thể dùng vũ lực.

Bộ Tư pháp Ba Lan lên tiếng là sẽ có những biện pháp cứng rắn đối với những người kêu gọi biệu tình, đe dọa bỏ tù đến 8 năm.

Có người hỏi phải chăng ai đó muốn biến các xung đột này thành cuộc chiến tranh tôn giáo?

Quân cảnh đã nhận được lệnh của thủ tướng Ba Lan là phải hỗ trợ cảnh sát. Hy vọng là người ta chỉ dùng sự hỗ trợ này ở mức độ nhỏ, với lý do là chỉ trong cuộc chiến với dịch bệnh, chứ thực ra quân đội Ba Lan chưa bao giờ chống lại người dân, kể cả trong những năm 80 thế kỷ trước, khi Công đoàn Đoàn kết đình công và toàn quốc được tướng Wojciech Jaruzelski đặt vào tình trạng Thiết quân luật.

Ông Kaczynski nói là cần bảo vệ Giáo hội và dân tộc Ba Lan, không để cho các thế lực thù địch đứng đằng sau những người biểu tình.

Nhưng như chính tôi quan sát ở Warsaw, những người biểu tình không hề có ý định phá nhà thờ nào, ngoài mấy dòng chữ khẩu hiệu mà họ đã trót viết lên tường. Sau đó họ đã biết rút kinh nghiệm, chỉ đi tuần hành ở đường phố và ở trước các trụ sở đảng cầm quyền, tránh xa các nhà thờ và những nơi mang tính chất tôn giáo, các cuộc biểu tình nói chung rất ôn hòa. Một số thanh thiếu niên gốc Việt tham gia biểu tình đã đăng ảnh cầm biểu ngữ tiếng Ba Lan trên mạng xã hội cùng bạn bè. Không thấy cảnh người biểu tình đập phá gì cả.

Cuối cùng, tôi vẫn hy vọng nước Ba Lan sẽ tìm ra một giải pháp tháo gỡ khủng hoảng, lắng nghe các bên và làm sao để xã hội phát triển tốt, người dân luôn có được mọi an toàn về cả phương diện y tế và các quyền chính trị hết sức chính đáng của họ.

Bài viết thể hiện quan điểm của ông Ngô Hoàng Minh, phiên dịch viên tuyên thệ cho Bộ Tư pháp Ba Lan, hiện sống ở Warsaw.

Bài Liên Quan