Hoa Kỳ và đồng minh tập trận, tăng cường hiện diện ở Biển Đông
Hoa Kỳ gần đây đã và đang tiến hành một loạt các cuộc tập trận lớn trên biển, trong đó có hoạt động cùng đồng minh tại Biển Đông.
Cuộc tập trận có quy mô toàn cầu, Large Scale Exercise 2021, kéo dài 12 ngày, từ 3-15/8, do Hải quân Hoa Kỳ thực hiện, được xem là cuộc tập trận lớn nhất kể từ 1981.
Cuộc tập trận thứ hai, Large Scale Global Exercise 21, do Hạm đội Indo-Pacific của Hoa Kỳ cùng các đồng minh Nhật Bản, Úc và Anh Quốc tiến hành trên Biển Đông, từ ngày 2-27/8.
Theo kế hoạch, các quốc gia thuộc “Bộ Tứ” là Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc sẽ có cuộc tập trận Malabar từ ngày 26-29/8 ở ngoài khơi đảo Guam. Mục đích của cuộc tập trận Malabar là đảm bảo “một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, chống lại hành vi bành trướng của Trung Quốc.
Một số quốc gia châu Âu khác, đồng minh của Hoa Kỳ, cũng đã có hành động ở vùng Biển Đông có vị trí chiến lược quan trọng toàn cầu.
Anh Quốc đã cho đội tác chiến tàu sân bay do Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth chỉ huy tiến vào Biển Đông hồi cuối tháng Bảy.
Đức hồi đầu tháng Tám, lần đầu tiên từ gần 20 năm qua đã gửi tàu chiến tới Biển Đông. Chiến hạm Bayern với hơn 200 quân nhân, khởi hành từ Biển Bắc, sẽ có hành trình kéo dài 6 tháng, cập cảng nhiều nơi, trong đó có Việt Nam.
Sự tăng cường hiện diện của Hoa Kỳ và đồng minh tại Biển Đông là nhằm đối phó với sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc, quốc gia vốn ngày càng quyết liệt trong việc xác quyết chủ quyền của mình tại vùng biển nhiều tranh chấp.
Sự kiện Mỹ rút quân vội vã khỏi Afghanistan, chính quyền Kabul nhanh chóng sụp đổ còn phe Taliban dễ dàng tiến chiếm nước này khiến người ta đặt câu hỏi về mức khả tín trong những cam kết của Hoa Kỳ với châu Á.
Tuy nhiên, Phó Tổng thống Kamala Harris trong chuyến công du Đông Nam Á, tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ “sát cánh cùng các đồng minh của chúng tôi nhằm đương đầu với các đe dọa”.
Là một trong những quốc gia tuyên bố chủ quyền tại vùng biển có tranh chấp, nhưng “Việt Nam không thể cạnh tranh được với Trung Quốc trên Biển Đông”, một chuyên gia an ninh từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói với BBC News Tiếng Việt.
Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những hành động khẳng định chủ quyền trên Biển Đông như sử dụng tàu đánh cá, hay tàu hải cảnh trong khu vực tranh chấp, cho nên Việt Nam “cần phải phối hợp với các đối tác trong khu vực và Hoa Kỳ để đương đầu với Trung Quốc”, ông Mark F. Cancian, Cố vấn Cấp cao từ CSIS nói.