Trung Quốc: Lý do các sao showbiz bị Đảng CS ‘đưa vào tầm ngắm’

Trung Quốc: Lý do các sao showbiz bị Đảng CS ‘đưa vào tầm ngắm’

3 giờ trước

Triệu Vy cùng chồng, Hoàng Hữu Long
Chụp lại hình ảnh,Triệu Vy cùng chồng, Hoàng Hữu Long

Cuối tháng Tám năm nay, tin Triệu Vy bị điều tra và Trịnh Sản bị phạt tới 46 triệu đô la tiền thuế làm rúng động ‘thị trường các ngôi sao Trung Quốc’.

Nhưng đằng sau các động thái làm mạnh tay đối với giới showbiz là việc tăng cường ý thức hệ cộng sản kiểu Tập Cận Bình, theo các báo nước ngoài.

BBC News Tiếng Trung (27/08/2021) có bài cho hay hôm 26/08, ca sĩ Triệu Vy “bị xử lý” và cùng lúc, phần 2 của phim “Hoàn châu Cách cách” cô thủ vai chính bị xóa khỏi mạng Tencent.

Trước đó, ngôi sao Ngô Diệc Phàm (Kris Wu) bị bắt tại Bắc Kinh và khai ra Triệu Vy cùng chồng, Hoàng Hữu Long và nhiều văn nghệ sĩ khác.

Vợ chồng Triệu Vy bị tố cáo “lập công ty ma, làm giả số liệu, thao túng thị trường chứng khoán”, theo báo chí nhà nước Trung Quốc.

Nhưng theo Reuters (28/08/2021), chính quyền Trung Quốc muốn tận diệt cái gọi là “văn hóa fan” của các ngôi sao showbiz, và tầm ảnh hưởng của họ.

‘Văn hóa fan club hỗn loạn’

Việc một số văn nghệ sĩ, người có ảnh hưởng (influencers) trên mạng xã hội tỏ ra yêu nước “theo yêu cầu của Đảng” về Tân Cương, hoặc ủng hộ cảnh sát Hong Kong đàn áp biểu tình xem ra không đủ để ông Tập Cận Bình hài lòng.

Một bài trên trang CNN (30/08/2021) nêu ra ba lý do khiến Chủ tịch Tập Cận Bình ra tay “trấn áp” các văn nghệ sĩ và nhất là các nhóm fan ngưỡng mộ họ, theo cách làm gợi nhớ lại Cách mạng Văn hóa.

Zheng Shuang
Chụp lại hình ảnh,Trịnh Sảng có thu nhập 300 ngàn USD một ngày trong hai tháng rưỡi

Không chỉ Triệu Vy mà Trịnh Sảng, Ngô Diệc Phàm, Trương Triết Hạn, Hoắc Tôn…đều bị cấm hoạt động nghệ thuật, trong văn bản tiếng Trung gọi là “bị phong sát”.

Một là lý do văn hóa tư tưởng.

“Đảng Cộng sản muốn các ngôi sao, danh nhân phải thành hình mẫu (role models) để cổ vũ tính ái quốc, tình yêu với chính quyền,” CNN viết.

Hai là thu nhập cao của họ khiến khẩu hiệu “bình đẳng” và xóa phân chia giàu nghèo của Đảng Cộng sản bị thách thức.

CNN trích lời Thủ tướng Lý Khắc Cường nói hồi năm 2020 rằng 600 triệu người dân TQ vẫn chỉ có thu nhập 140 USD/tháng, trong khi các ngôi sao showbiz trong danh sách vàng (A-list), có thu nhập khủng khiếp.

Ví dụ Trịnh Sảng nhận 24 triệu USD cho hai tháng rưỡi đóng phim, tính ra bằng 300 ngàn USD một ngày.

Nhưng lý do thứ ba, “nguy hiểm hơn cả” cho hệ thống chính trị là ảnh hưởng của các cá nhân nổi tiếng với fan ủng hộ họ.

Văn hóa yêu ghét tự phát của các fan ủng hộ ngôi sao showbiz nay bị cho là hành vi gây loạn về đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Một văn bản của Đảng Cộng sản TQ quy định 10 vấn đề cần điều chỉnh, kiểm soát với người dùng mạng Internet và các kênh mạng xã hội.

Có tên là ‘Thông tri tăng cường uốn nắn hiện tượng loạn ‘fan club‘, văn bản của Cục Quản lý Không gian mạng TQ cấm việc tự lập ra những trang fanpage mà Trung Quốc gọi là ‘fan-quan’ (fan club).

Coi các hoạt động chia sẻ thông tin trong các nhóm ủng hộ thần tượng điện ảnh, ca sĩ, văn nghệ sĩ, gồm cả việc yêu người này, công kích người kia, chia sẻ “tin đồn’ là hành vi “gây loạn”, chính quyền đặt ra các hình phạt tiền và hành chính cho bất cứ ai tham gia.

Cùng lúc, chỉ sau một vài hôm các fanpage trên mạng xã hội tiếng Trung của ca sĩ Triệu Vy đã bị chính quyền tẩy sạch sẽ.

Nặng nề hơn, Đảng CS TQ cho rằng nhiều hành vi của các ngôi sao là “suy đồi đạo đức”, ví dụ như các diễn viên nam thể hiện vai có hơi hướng ‘quá mềm’, vóc dáng nữ, hoặc lối sinh hoạt xa hoa của những người trẻ giàu có nổi tiếng.

Dù họ “biết thân biết phận” và nhiều người đã hiến tặng nhiều tiền cho các phong trào kêu gọi thiện nguyện, cứu trợ lụt lội mà chính quyền tung ra, bản thân sự hiện diện và lối sống, thu nhập cao của họ và tầm ảnh hưởng trong xã hội đã khiến các sao showbiz Trung Quốc rơi vào tầm ngắm của chính quyền.

Trước khi ngành giải trí bị rọi đèn, một loạt đại gia công nghệ Trung Quốc đã bị chấn chỉnh, thậm chí bị điều tra vì các “sai phạm” khác nhau.

Các hoạt động kinh tế, tài chính và văn nghệ, giải trí đều có thể bị siết lại nếu chúng tự tìm đến công chúng mà không được chính quyền của ông Tập Cận Bình cho phép.

Như Andrew Browne viết trên trang Bloomberg (07/08/2021), “trong những ngày này, ở Trung Quốc cái gì cũng trở thành vấn đề ý thức hệ, kể cả thị trường chứng khoán”, với cánh tay của ngành tuyên giáo lên án cả việc một số công ty niêm yết “dám tự ý quảng cáo trên mạng”.

Bài Liên Quan