Nghệ An loại bỏ 16 dự án thủy điện
THANH TRÚC / RFA
Quyết định loại bỏ 16 dự án thủy điện ra khỏi qui hoạch của Nghệ An, nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường, sinh thái và đời sống người dân, được ông Bùi Xuân Hùng, trưởng Phòng Quản Lý Điện Năng trực thuộc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, loan báo hôm thứ Hai ngày 11 vừa qua.
Tin cho hay 16 dự án thủy điện bị loại bỏ phần lớn nằm trên vùng cao có nhiều người dân tộc như Yên Thắng, Bản Khuổi, Khe Bu, Khe Nà, Lưu Kiền, Phà Lài, Suối Cùng, Nậm Típ vân vân…Được biết tổng công suất dự trù tính trên 16 dự án bị loại bỏ này là hơn 46 MW. Riêng dự án Nhà Máy Thủy Điện Xốc Cốp tại xã Yên Thắng, huyện Tương Dương với công suất 4 MW đang được Sở Kế Hoạch Đầu Tư xem xét có nên loại bỏ hay không.
Một giáo viên vùng núi tỉnh Nghệ An, ông Thanh, bày tỏ sự đồng tình, nói rằng việc loại bỏ các thủy điện không chỉ tốt cho vùng nghèo Nghệ An mà còn cho các tỉnh khác:
“Loại bỏ 16 cái dự án mà thực hiện được thì rất tốt. Thực ra cái gì cũng có 2 mặt, nếu đảm bảo được đời sống an sinh cho nhân dân thì chấp nhận, còn bảo là loại bỏ lâu dài mà không đảm bảo được đời sống an sinh thì cũng phải nên cân nhắc lại.”
Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường nhận định:
“Rất hoan nghênh về chuyện dẹp đi một số các dự án thủy điện. Trước đây chúng ta cứ nghĩ rằng thủy điện là một cái giải pháp thuộc loại tăng trưởng xanh, tức là không phải dùng nhiệt điện. Thế nhưng trên thực tế và qua quá trình vừa rồi thì thủy điện lại thể hiện rất nhiều nhược điểm, thậm chí còn nặng hơn những dự án có phát thải.”
Theo báo chí trong nước, khu vực mạn Tây của Nghệ An là nơi nhà máy thủy điện mọc lên như nấm sau mưa trong vòng hơn thập niên nay. Thực tế cho thấy nội trong 5 huyện mà đã có tới 32 dự án thủy điện với tổng công suất 1.324 Megawatt.
Trong số 32 nhà máy thủy điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc đang khảo sát xin phép đầu tư, có 13 nhà máy đang vận hành phát điện, 2 nhà máy đang chạy thử nghiệm, 9 nhà máy đang triển khai thi công, 5 nhà máy đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai. Điểm đáng nói ở đây là hầu hết những công trình thủy điện ở Nghệ An không có hồ điều tiết nước.
Giáo sư tiến sĩ Lê Huy Bá, nguyên viện trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường, nhận định về mức độ xây dựng và phát triển thủy điện mà ông gọi là chóng mặt của Nghệ An nói riêng:
“Quá nhiều, không cân đối, có một thời kỳ phát triển quá nóng, quá tự do mà không có qui hoạch một cách chắc chắn. Việc quản trị các thủy điện ở mình chưa tốt, chưa có kế hoạch, Bản Vẽ là một thí dụ. Cũng vì quản trị chưa tốt nên thường xảy ra sự cố. Hệ lụy thì đã quá rõ rồi, ngập lụt rồi vỡ đập vỡ đê làm xảy ra lũ quét mà có thể ngày càng nặng nề hơn nữa.
Phải xác nhận một cách đúng đắn là phải có thủy điện chứ không phải là phủ nhận sạch trơn đâu, nhưng vì làm quá nóng, quá nhiều và qui hoạch không tốt, quản lý không tốt, không khoa học dẫn tới tai họa và sự cố.”
Dưới mắt nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Đặng Hùng Võ, cái chính của vấn đề vẫn luôn là môi trường, sinh thái và đời sống người dân tại những nơi qui hoạch thủy điện:
“Bởi vì thủy điện thứ nhất là tạo ra sự thay đổi môi trường, đặc biệt hủy hoại môi trường rừng rất lớn. Thường làm thủy điện là phải trữ nước vào các hồ chứa và làm thiệt hại diện tích rừng rất lớn.
Điều thứ hai, đây là dạng trữ nước lại thành túi nước lớn mà nếu không cẩn thận, tức là trường hợp vỡ đập thì tai hại rất lớn. Nhưng ngay cả những trường hợp không vỡ mà điều phối nước, xả nước không phù hợp, thì cũng làm ảnh hưởng tới đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Có ảnh hưởng về tăng trưởng về kinh tế, về điện một chút nhưng lại làm thiệt hại về mặt xã hội cưc kỳ lớn, tác động xấu đến cả câu chuyện bền vững xã hội và bền vững môi trường.”
Nói với đài Á Châu Tự Do, ông Cao Đình Triểu, Viện trưởng Viện địa Vật Lý Ứng Dụng, Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam, từng đôi ba lần kiến nghị chính phủ cân nhắc việc xây dựng đập thủy điện trên vùng núi ở Nghệ An nói riêng và các nơi khác ở miền Trung nói chung, cảnh báo những nơi Nghệ An đã, đang và sẽ đưa vào qui hoạch thủy điện đều khá nhạy cảm đối với vấn đề ông gọi là tai biến địa chất.
Còn ông Nguyễn Quang Hòa, nguyên Chi cục trường Chi Cục Thủy Lợi tỉnh Nghệ An, nói rằng nếu mưa lũ lớn đi kèm với công trình không an toàn và bảo đảm sự cố thì sẽ tạo hiệu ứng cực kỳ nguy hiểm là vỡ đập dây chuyền thủy điện bậc thang với tai họa khôn lường.
Thực tế thời gian qua từng xảy ra những vụ vỡ đập thủy điện ở miền Trung gây thiệt hại về nhân mạng vật chất nặng nề cho địa phương.
Chính vì vậy, tiến sĩ Đặng Hùng Võ nhắc lại, quyết định loại bỏ 16 dự án thủy điện ở Nghệ An, dù là những dự án nhỏ chăng nữa, vẫn là một quyết định vô cùng quan trọng:
“Đây là một quyết định dẫn đường cho chiến lược phát triển điện Việt Nam, tức cũng đã đến lúc Việt Nam cần xem xét kỹ chuyện phát triển thủy điện. Tương tự như Lào chẳng hạn, vùng phía Tây Bắc, phía Tây Nghệ An, phía Tây Quảng Nam, Tây Nguyên… là những địa bàn mà thủy điện có tiềm năng phát triển nhưng đồng thời đấy cũng là địa bàn sinh sống bình yên bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số mà thu nhập hiện nay còn đang thấp còn đang nhỏ.”
Vẫn theo lời ông, loại 16 dự án thủy điện ra khỏi qui hoạch trong thời gian tới ở Nghệ An là một quyết định mạnh dạn, báo hiệu việc xem xét, chỉnh đốn lại việc phát triển thủy lợi của Việt Nam.
Nguồn: RFA