Lời kể người Việt ở Kyiv: Một năm Nga xâm lược Ukraine

  • Tác giả,Nguyễn Thành Vinh
  • Vai trò,Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Kyiv, Ukraine
  • 24 tháng 2 2023
reuters
Chụp lại hình ảnh,Một lính cứu hỏa tại một bãi đậu xe gần một khu chung cư bị hư hại nặng nề từ cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, ở Pokrovsk, vùng Donetsk, Ukraine vào ngày 15 tháng 2 năm 2023

Khoảng 4-5 giờ sáng gì đó mình vừa đặt lưng ngủ sau một đêm lái xe từ thành phố khác về bỗng “ùm” như động đất, cửa kính rung bần bật.

Chồm chăn chui ra ngoài xem nhà cửa, mấy con chó ( chúng vốn rất sợ tiếng pháo hoa ) thế nào. Nhìn chúng nép chặt vô góc chuồng, mắt van lơn thật tội.

Ngoài đường phố xe chạy hối hả đông nghịt. Người người như một phản ứng tự nhiên tích trữ xăng, thuốc men, thực phẩm…

Trên TV, Tổng thống xuất hiện, ông còn chưa kịp cạo râu…Số phận của hơn 40 triệu dân đặt nặng lên vai ông ấy.

365 ngày sau

Nguyễn Thành Vinh
Chụp lại hình ảnh,Bức ảnh khu chung cư cách nhà tác giá, 2 km là một trong số những khu nhà dân bị trúng tên lửa của địch ngày đầu chiến tranh. Khu nhà này có người Việt sinh sống. Thành phố đã nỗ lực sửa chữa cho người dân có chỗ ở

Thủ đô Kyiv và các thành phố lớn khác, nơi phần lớn người dân nói tiếng Nga đã chống trả quyết liệt và đứng vững trước kẻ thù mạnh gấp bội.

Người Ukraine làm gì nên tội ? Họ cũng như người Gruzia, người Balan, Phần lan hay Baltic… họ muốn được tự do lựa chọn đường lối cho đất nước, “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” như ông Hồ Chí Minh từng trích dẫn Tuyên ngôn Hoa Kỳ 1776.

Ukraine trước đây xa lạ với người Việt. Chỉ những người người nào từng học tập, lao động mới biết đến. Họ vẫn quen gọi là “đi Nga về”, như anh ca sỹ nổi tiếng tên Khang gì đó thậm chí công khai chối bỏ.

Đất nước này chả hiềm tỵ gì với Việt Nam, thậm chí đóng góp rất nhiều về người và của. Đại sứ quán Việt Nam tại Kyiv hàng năm vẫn tổ chức tiệc tri ân các cựu chiến binh từng là cố vấn quân sự trong chiến tranh Việt Nam.

Cái “tội” lớn nhất của người Ukraine là đi theo đường hướng dân chủ, nhất quyết từ bỏ chế độ độc tài.

Nôm na là tự chuyển hoá, diễn biến và đó là lý do bị người ta ghét. Và công cuộc bôi nhọ, dối trá bắt đầu: bài người nói tiếng Nga, phản bội, tiểu bá…y hệt như Đặng Tiểu Bình đối với Việt Nam hồi 1978-1979.

Ngay từ ngày đầu chiến tranh, nhiều người nhắn tin thăm hỏi chân tình, vô cùng cảm động.

Cũng có nhiều người chê trách : lãnh đạo Ukraine tồi nên mới xảy ra chiến tranh. Mình nhẹ nhàng: ừ, theo bạn thì ông Hồ, ông Chinh, ông Duẩn, ông Đồng… đều tồi vì không chịu đầu hàng cho dân đỡ khổ, tránh được chiến tranh 9 năm với Pháp, 20 năm với Mỹ, với Tàu không tính.

Cả lãnh đạo châu Âu 1938-39 tồi quá, không chịu nhịn Hitler đi, nhường cho hắn vùng đất Suderterland giàu có của Tiệp khắc, có sao đâu ?…

Có bạn khác cáu, thế cậu không yêu nước (Việt Nam) à ? Theo bạn ý, ủng hộ nước Nga đồng nghĩa là yêu nước.

Khổ vậy đó, bạn ấy trong sáng tin rằng: chỉ cần người Ukraine vâng lời, ăn một loại xúc xích, đi mãi một loại xe dẫu ngốn xăng và vĩnh viễn bằng lòng với một lãnh tụ duy nhất chừng nào ông ấy chưa chết …là tức khắc có hoà bình, ấm no.

Tuyên truyền nó có sức mạnh ghê gớm. Ngày xưa, Ban tuyên giáo của Joseph Goebbels từng khiến cả một dân tộc văn minh bậc nhất như người Đức tung hô một chế độ tội ác lớn nhất thế kỷ 20.

Mình mất một số người bạn lâu năm, bởi thế hệ mình (miền Bắc) thuộc về Liên Xô nhiều quá. Người ta không chấp nhận gọi pu.tin (mình không viết hoa đúng ngữ pháp đâu) là kẻ xâm lược, gây tội ác.

Đối với họ, Liên Xô chưa hề tan rã và Liên Xô (mặc định là người Nga) là những người châu Âu duy nhất từng giúp Việt Nam, còn lại đến Việt Nam với tư cách thực dân, đế quốc.

Mình không giận họ. Chắc chắn thời gian sẽ giúp họ hiểu rõ. Cũng như hồi 80x-90x người ta nguyền rủa Đông Âu rời bỏ “phe ta” mà đi theo đế quốc vậy.

EPA-EFE/REX/SHUTTERSTOCK
Chụp lại hình ảnh,Một chiếc xe tăng của Nga bị cháy ở vùng Kharkiv, Ukraine, ngày 02 tháng 10 năm 2022

Thật may là có thêm rất nhiều bạn mới từ khắp nơi trong và ngoài nước đã lên tiếng phản chiến, kể những người bạn từ chính nước Nga.

Ukraine cũng không cô độc. Có hàng trăm nước lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ, đóng góp công của, kể cả những nước bao nhiêu năm trung lập như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Phần lan, Đan Mạch rồi Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí Campuchia xa xôi cũng ủng hộ tại Liên hiệp Quốc, gửi binh lính giúp rà phá bom mìn.

Rất ngưỡng mộ câu trả lời của một quan chức chính phủ Campuchia trên trang Khmer Times rằng: Nga và Ukraine đều là đối tác của Campuchia và với Nga còn nhiều lợi ích hơn nhiều nhưng giữa lợi ích và luật pháp quốc tế chúng tôi đứng về phía Ukraine.

Cộng đồng gốc Việt hầu hết đã sơ tán sang EU, Anh, Ireland, Canada…hay Việt Nam nhưng vẫn có nhiều người ở lại. Cũng như người Ukraine được dân chúng và cả đồng hương Việt Nam những nơi này hết lòng giúp đỡ nơi ăn chốn ở và được đối xử như người thân, được ưu đãi thậm chí còn hơn cả người bản địa. Trẻ em được đi học ngay lập tức thậm chí không đòi hỏi giấy tờ gì.

Bằng mọi cách trong khả năng, bọn mình vẫn đóng góp cho quân đội, cho người dân như một cách tri ân xứ sở.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nguyễn Thành Vinh ở Kyiv, Ukraine.

Bài Liên Quan