Đại sứ Mỹ tại Australia: TQ đang đẩy mạnh các hoạt động gây bất ổn trên Biển Đông

Đại sứ Mỹ tại Australia: TQ đang đẩy mạnh các hoạt động gây bất ổn trên Biển Đông

Ngày đăng 19-05-2020

Trung Quốc đã cấp tập triển khai hải quân, hải cảnh và dân quân biển nhằm thúc đẩy “yêu sách giả dối” để độc chiếm Biển Đông, hành động này của Trung Quốc gây bất ổn trên Biển Đông giữa lúc các nước tập trung đối phó với đại dịch Covid-19.

Đại sứ Mỹ tại Australia Arthur Culvahouse (16/5) đã chỉ trích Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động gây bất ổn trên Biển Đông giữa lúc các nước tập trung đối phó với đại dịch Covid-19; cho rằng Trung Quốc đã cấp tập triển khai hải quân, hải cảnh và dân quân biển nhằm thúc đẩy “yêu sách giả dối” để độc chiếm Biển Đông. Bên cạnh đó, Đại sứ Arthur Culvahouse cũng bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc về hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khẳng định không phải hoạt động của Mỹ, mà chính hành động hăm dọa và quân sự hóa hung hăng của Trung Quốc đã làm thay đổi thực trạng hàng hải trên Biển Đông; đồng thời khuyến khích Australia và các nước công khai đẩy lùi những hành động áp đặt chủ quyền phi pháp và bành trướng của Trung Quốc, bảo vệ những nguyên tắc phổ quát làm nền tảng cho an ninh và thịnh vượng tại khu vực.

Trước đó, giới chức ngoại giao, quân sự của Mỹ cũng từng đưa ra nhiều tuyên bố chỉ trích, lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ (18/4) đã ra tuyên bố: “Mỹ lo ngại trước các thông tin về những hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí của các bên tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc nên chấm dứt thói bắt nạt của mình và kiềm chế các hành động khiêu khích, gây bất ổn như vậy”. Trước đó, khi Trung Quốc đưa tàu Hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao Mỹ (06/4) ra tuyên bố lên án hành động đâm chìm tàu cá Việt Nam của tàu hải cảnh Trung Quốc tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) ở Biển Đông trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) lan rộng.

Trong thông cáo báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về thông tin Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Đây là vụ việc mới nhất trong loạt hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải phi pháp và gây thiệt hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở Biển Đông”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Bắc Kinh cũng đồng thời công bố “các trạm nghiên cứu” mới trên những căn cứ quân sự mà nước này xây dựng trái phép ở Đá Chữ Thập và Đá Xubi (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đồng thời cho máy bay quân sự đặc chủng hạ cánh xuống Đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng tiếp tục triển khai lực lượng dân quân trên biển xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Thông cáo nhấn mạnh cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc đã bị Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc hồi tháng 7-2016 xem là tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Chính phủ Mỹ cũng có chung quan điểm này; đồng thời kêu gọi Trung Quốc tập trung hỗ trợ cộng đồng quốc tế chống đại dịch toàn cầu, chấm dứt việc lợi dụng sự mất tập trung hoặc khả năng dễ bị tổn thương của các nước khác để mở rộng các yêu sách trái pháp luật trên Biển Đông.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink nhấn mạnh, Mỹ kịch liệt phản đối và lên án Trung Quốc lợi dụng việc các nước trong khu vực đang tập trung chống dịch COVID-19 để thúc đẩy những hành vi phi pháp và mang tính khiêu khích ở Biển Đông. Thay vì cùng tham gia tập trung chống dịch COVID-19 với các nước khác, Trung Quốc trong vài tháng qua đã tiến hành nhiều hành vi khiêu khích gây bất ổn trong khu vực như đâm chìm tàu cá của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, điều các tàu ra đe dọa tàu các nước khác cũng như tuyên bố thành lập trái luật pháp quốc tế các khu hành chính mới ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lên án các hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian qua. Theo ông Mark Esper, “trong lúc Trung Quốc tăng tốc chiến dịch tung thông tin sai lệch để đổ lỗi và đánh bóng hình ảnh của họ, chúng tôi tiếp tục nhìn thấy cách hành xử hung hăng từ phía Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trên Biển Đông, từ đe dọa tàu hải quân Philippines đến làm chìm tàu cá của Việt Nam và đe dọa những nước khác không được tiến hành hoạt động phát triển dầu khí xa bờ”. Trước các hành động hung hăng này, Mỹ đã điều động hai tàu hải quân tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông vào tuần qua. Các hoạt động này của Mỹ nhằm gửi thông điệp Washington sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải và thương mại cho tất cả quốc gia dù lớn hay nhỏ. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhận định nhiều nước đang tập trung cho hồi phuc sau đại dịch.

Trong bối cảnh đó, “những đối thủ chiến lược của Mỹ” đang tìm cách lợi dụng khủng hoảng vì lợi ích riêng dù khiến những nước khác chịu thiệt; đồng thời cáo buộc Trung Quốc không minh bạch từ thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát; nhấn mạnh nếu Trung Quốc minh bạch hơn, mở cửa hơn, thẳng thắn hơn trong việc cung cấp cho các nước quyền tiếp cận, báo cáo, cung cấp quyền tiếp cận không chỉ với những người ở thực địa mà còn với những điều Bắc Kinh có được về virus để các nước tìm hiểu, có lẽ Mỹ lúc này đang trong một vị thế rất khác. Không nhưng vậy, Bộ trưởng Esper kêu gọi Trung Quốc cho phía Mỹ tiếp cận với những ca nhiễm sớm, giới nghiên cứu và các nhà khoa học Trung Quốc.

Ông cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách tận dụng cơ hội để thúc đẩy thông điệp nước này là “người tốt”. Ông đề cập đến việc Trung Quốc hỗ trợ khẩu trang và vật tư y tế cho nhiều nơi, nhưng trong nhiều trường hợp các trang thiết bị lại kém chất lượng và không đáp ứng được kỳ vọng. Bên cạnh đó, những ràng buộc là rất lớn trong nhiều trường hợp. Họ nói với một quốc gia rằng bạn có thể lấy số khẩu trang này “nhưng hãy công khai ca ngợi Trung Quốc tốt như thế nào, họ đang làm hiệu quả ra sao”; cho rằng Bắc Kinh đang cố đánh bóng hình ảnh nhưng sau hậu trường lại răn đe, điển hình là các đe dọa trả đũa nhắm vào Australia.

Đô đốc Hải quân Mỹ John Aquilino (8/5) cảnh báo Bắc Kinh rằng Washington cam kết tuân thủ trật tự dựa trên các quy tắc ở biển Đông và sẽ tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải; kêu gọi Trung Quốc chấm dứt kiểu “bắt nạt” các nước Đông Nam Á trong hoạt động thăm dò, phát triển dầu khí và đánh bắt cá. Trong khi đó, Chỉ huy Nhóm tấn công Viễn chinh số 7 của Fred Kacher cho biết: “Lực lượng của chúng tôi bay, di chuyển và hoạt động trong vùng biển quốc tế của Biển Đông theo quyết định của chúng ta và theo các quy tắc hàng hải và luật pháp quốc tế, cho thấy phạm vi hoạt động rộng lớn của hải quân chúng ta ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

Trên thực địa, Mỹ liên tục gia tăng sức ép về mặt quân sự, ngoại giao nhằm ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong tháng 4 và tháng 5, chiến hạm Hải quân Mỹ và máy bay ném bom B-1 của Không quân Mỹ đã nhận những nhiệm vụ với mục tiêu chính gửi thông điệp rằng nước này duy trì hiện diện trong khu vực, bảo đảm với các đồng minh. Lầu Năm Góc còn ưu tiên đưa tàu sân bay USS Theodore Roosevelt quay trở lại khu vực vào cuối tháng. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cũng đã điều tàu tác chiến ven bờ lớp Independence USS Gabrielle Giffords (LCS-10) hoạt động gần khu vực tàu khoan của West Capella Malaysia. Trước đó, tàu chiến ven biển USS Montgomery (LCS-8) và tàu tiếp nhiên liệu USNS Cesar Chavez (T-AKE-14) cũng được thông báo hoạt động ở khu vực trên.

Trong động thái mới nhất, tài khoản Twitter Golf9 chuyên theo dõi lộ trình di chuyển của máy bay phát hiện ra chiếc P-8A mang số hiệu 169010 của Hải quân Mỹ bay qua Biển Đông, vòng qua đảo Hải Nam rồi tiến vào Vịnh Bắc Bộ. Theo đó, máy bay trên bay cách bờ biển đảo Hải Nam gần 50km và bay qua căn cứ Hải quân Du Lâm của Trung Quốc. Golf9 chỉ ra rằng chiếc 169010 là một trong ít nhất 7 chiếc P-8A được trang bị AN/APS-154 có khả năng chụp ảnh chi tiết cả ngày và đêm, trong nhiều điều kiện thời tiết, đồng thời có thể phát hiện mục tiêu di động. Tin tức về hoạt động của máy bay trinh sát Mỹ xuất hiện không lâu sau khi tàu khu trục Mỹ được phát hiện di chuyển qua biển Hoàng Hải ngoài khơi Thượng Hải vào thời điểm Trung Quốc triển khai cuộc tập trận dài 11 tuần ở khu vực này.

Theo đó, tàu khu trục USS Rafael Peralta lớp Arleigh Burke xuất hiện cách bờ biển phía Đông của Trung Quốc 214 km vào khoảng 8h sáng 15/5. Đây là khu trục hạm thứ 2 của Mỹ hiện diện ở biển Hoàng Hải trong vòng chưa đầy 1 tháng qua. Chiến hạm này di chuyển vào Biển Hoa Đông và các vùng biển gần Trung Quốc từ ngày 3/5.

Bài Liên Quan